Kinh tế thế giới

“Mạch di sản” và tiềm năng xuất khẩu cho kinh tế sáng tạo Việt Nam

Trường Đặng 12/08/2024 14:21

Gìn giữ di sản văn hóa của Việt Nam qua các bức tranh dân gian trên chất liệu sơn mài là một bước đi mới nhằm thúc đẩy xuất khẩu cho kinh tế sáng tạo Việt Nam.

latoa(1).jpg
Tranh dân gian Việt Nam được sáng tạo trên chất liệu sơn mài nhờ các họa sĩ Latoa Indochine.

“Chất liệu mới” cho tranh dân gian truyền thống

Nằm trong chuỗi các hoạt động nhân dịp 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024), Ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024), và hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các họa sỹ Latoa Indochine tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Mạch di sản” tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cũ - Biệt thự di sản 49 Trần Hưng Đạo, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Triển lãm trưng bày trên 60 bức tranh với đề tài tranh dân gian Hàng Trống - Đông Hồ - Kim Hoàng quen thuộc như Lợn đàn, Thần Kê, Đánh ghen, Ngũ Hổ, Đám cưới chuột… Điểm đặc biệt của triển lãm là những bức tranh dân gian vốn được vẽ trên chất liệu giấy dó truyền thống nay đã được tái tạo bằng chất liệu sơn mài và sơn khắc.

Sự đổi mới này không chỉ mang đến cho những người yêu nghệ thuật một góc nhìn thú vị, đầy sáng tạo về dòng tranh truyền thống của dân tộc, mà còn góp phần phát triển một nét văn hóa làng nghề xưa lên tầm cao mới.

“Bức tranh Thúy Kiều – Kim Trọng được trưng bày ở đây thể hiện sự quan tâm của người chơi với Truyện Kiều – một tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam. Ngoài ra một số bức tranh như Thần kê, Thanh Long, Bạch hổ, Tiến tài, Tiến lộc, tranh Tứ Phủ, Trần Triều cũng rất đặc sắc”, họa sĩ Lương Minh Hòa, một thành viên trong nhóm họa sĩ của Latoa Indochine cho biết.

Theo các họa sĩ, dòng tranh dân gian truyền thống có một nhược điểm là chỉ dùng được trong một thời gian ngắn do tác động của yếu tố môi trường. Điều đó đã thôi thúc nhóm Latoa Indochine đưa tranh dân gian lên các chất liệu mới để bảo lưu "một nhịp thở di sản”.

l1280166.jpg
Những nghệ sỹ cho biết chất liệu sơn mài sẽ giúp bức tranh lưu giữ được vẻ đẹp qua thời gian (Ảnh: Trường Đặng)

Theo ông Phạm Ngọc Long, Chủ tịch Latoa Indochine, tranh dân gian truyền thống rất đẹp nhưng vì in trên giấy dó, giấy điệp nên độ bền không cao. Do đó, các nghệ sỹ đã sáng tạo ra cách vẽ mới trên vóc – một chất liệu gỗ đã được xử lý qua rất nhiều bước để khắc và làm tranh sơn mài – nhằm mang đến một vẻ đẹp mới cho tranh.

“Hình ảnh trong tranh sơn mài khắc đều được thể hiện sắc nét, có chiều sâu và khi quan sát kỹ sẽ thấy tầng tầng lớp lớp màu được mài rất tỉ mỉ. Tất cả những điều đó khiến tranh dân gian trở nên đẹp hơn, hiện đại, sang trọng hơn, giá trị văn hóa nghệ thuật cũng được nâng lên một tầm cao mới,” ông Long chia sẻ.

Quan điểm sáng tạo của các họa sỹ Latoa Indochine là phục hồi, phát huy, bảo tồn tranh dân gian và không gian nghệ thuật kiến trúc phong cách Indochine, mang đến “đời sống mới” cho nghệ thuật hội họa xưa, để những nghệ thuật truyền thống được “hồi sinh” trong đời sống hiện đại.

Thúc đẩy xuất khẩu văn hóa Việt Nam

Suốt nhiều thế kỷ, tranh dân gian Việt Nam đã gắn liền với đời sống, văn học và cả tâm linh của người dân. Thế nhưng qua thời gian, vì nhiều nguyên nhân, giờ đây dòng tranh này đang đứng trước nguy cơ mai một. Để bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống quý báu này, Latoa Indochine cùng các cộng sự đã nghĩ tới việc áp dụng kỹ thuật sơn mài và sơn khắc để duy trì được tính bền vững của các tác phẩm qua thời gian.

Hướng tới tương lai xa hơn, ông Phạm Ngọc Long khẳng định duy trì các giá trị văn hóa bằng tranh dân gian sơn mài là “cái gốc”, để trong tương lai có thêm nhiều sản phẩm văn hóa Việt Nam được bạn bè thế giới biết đến và lan tỏa.

diendandoanhnghiep.vn-media-uploaded-346-2020-03-13-_thucong.jpg
Sự đổi mới được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh số lượng và giá trị hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam ra thế giới.

Theo nghiên cứu của CIEM, xuất khẩu hàng hoá sáng tạo thế giới tăng từ 208 tỷ USD (2002) lên 524 tỷ USD (2020). Từ năm 2007 đến nay, châu Á vẫn là khu vực xuất khẩu sản phẩm sáng tạo lớn nhất. Riêng Trung Quốc đạt 169 tỷ USD và chiếm 32% tổng xuất khẩu hàng hoá sáng tạo toàn cầu. Tiếp sau là các quốc gia và vùng lãnh thổ: Mỹ, Italia, Đức, Pháp, Hồng Kông, Pháp, Anh, Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Trong đó, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có thế mạnh trong sản xuất và xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ giàu tính văn hóa được các thị trường quốc tế rất ưa chuộng.

Bộ NN&PTNT Việt Nam ước tính xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt khoảng 3,5 tỷ USD/năm, trong khi quy mô thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu đạt 752,2 tỷ USD và được kỳ vọng tăng 10% mỗi năm. Do đó, Việt Nam có thể nói đứng trước cơ hội rất lớn để có thị trường mới, thu nhập mới, chia sẻ thêm những giá trị về môi trường, văn hóa, đặc sắc của Việt Nam cho người tiêu dùng toàn cầu.

Tuy nhiên, một điểm yếu của sản phẩm Việt Nam là chưa thực sự đa dạng về mẫu mã, cũng như thiếu các ứng dụng về vật liệu theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường.

Tại Hội chợ Hàng tiêu dùng Quốc tế Ambiente 2024, ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu Hàng Thủ công mỹ nghệ thừa nhận: "nếu so với mặt bằng chung, chúng ta chỉ đạt đâu đó 6/10 điểm về phát triển sản phẩm. Chúng ta có thay đổi nhưng chưa mang tính đột phá để khách hàng phải thán phục.”

Do đó, lời khuyên của các chuyên gia là Việt Nam vừa phải duy trì kỹ năng truyền thống của nghệ nhân, đồng thời phải linh hoạt và áp dụng phát triển sản phẩm theo hướng mới, một điều mà Latoa Indochine đang nỗ lực hướng tới đối với dòng tranh dân gian sơn mài khắc.

Phó Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới, ông Kevin Murray khẳng định Việt Nam có sự đặc sắc và đa dạng về làng nghề truyền thống, nhưng cần thêm những ứng dụng của công nghệ số, công nghệ hiện đại, vật liệu thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất, cũng như gắn thêm các câu chuyện thương hiệu làng nghề để có thể vươn xa hơn.

Trường Đặng