“Cuộc cách mạng” mới cho ngành đóng tàu
Sau hơn 10 năm sa sút, ngành đóng tàu tại Việt Nam đang dần lấy lại vị thế. Nhiều doanh nghiệp đóng tàu đã có đơn hàng thực hiện kéo dài trong 5 – 10 năm tới.
Từ cuối 2023 đến nay, tại các doanh nghiệp đóng tàu tại Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung, các công nhân đóng tàu đang phải hoạt động liên tục để đảm bảo tiến độ, hoàn thành đơn hàng cho đối tác trong và ngoài nước.
Vượt mặt “anh tài”
Ngày 11/5/2024, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng) hạ thủy tàu hàng trọng tải 65.000 tấn ký hiệu thiết kế VB66-01 và đặt ky tàu VB66-02. Đây là 2 chiếc tàu trong hợp đồng giữa Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Đông Bắc và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu, là loạt tàu hàng lớn nhất từ trước tới nay được đóng mới bởi doanh nghiệp đóng tàu Việt Nam.
Sau hơn 1 thập kỷ, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu (tiền thân là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu - Vinashin) đã trở lại với những con tàu lớn nhất từ trước đến nay được đóng mới tại Việt Nam (sau tàu 54.000 tấn Diamond được đóng mới từ những năm 2006 - 2007).
Cũng trong tháng 5/2024, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng đã cho hạ thủy tàu chở dầu, hóa chất 13.000 DWT – YN01 xuất khẩu Hàn Quốc mang tên "BS Hai Phong". Đây là con tàu đầu tiên trong loạt tàu chở dầu/hóa chất gồm 8 con tàu đóng mới cho chủ tàu Hàn Quốc. Ngoài việc đóng mới với các đơn hàng trên cùng với sửa chữa, đóng mới khác, Công ty Đóng tàu Phà Rừng có đủ việc và sản phẩm đến hết năm 2028.
Không chỉ riêng Công ty Đóng tàu Phà Rừng, nhiều doanh nghiệp đóng tàu khác trên cả nước cũng đang hối hả với các đơn hàng dài hơi trong 5-10 năm tới.
Theo dữ liệu từ Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) do Insder Monkey (Mỹ) công bố, Việt Nam vươn lên đứng thứ 5, vượt qua cả những nhà đóng tàu “sừng sỏ” và có tiếng là Phần Lan, Pháp, Na Uy, Nga… Việt Nam đang là thị trường có ngành đóng tàu phát triển nhanh chóng và thị phần gia tăng đáng kể những năm gần đây. Đáng chú ý, Việt Nam đã đóng mới được con tàu lớn nhất từ trước đến nay, với tải trọng 65.000 tấn được hạ thủy, bàn giao cho khách hàng tại Hải Phòng.
Ông Hoàng Văn Nguyên - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm nay, Công ty đã sửa chữa 42 lượt tàu, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, triển khai đóng mới 4 sản phẩm 13.000 tấn trong 8 sản phẩm ký kết với Hàn Quốc. Chúng tôi cũng đã đảm bảo công việc cho 650 công nhân kỹ thuật cũng như 500 công nhân lao động của các đơn vị tham gia thi công cùng Phà Rừng. Giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm của Công ty đạt 75% so với kế hoạch năm 2024, doanh thu đạt 65% so với định mức”.
Có “lợi hại hơn xưa”?
Sau đại dịch COVID-19 và những biến động của thị trường quốc tế, gần đây chu kỳ hồi phục, tăng trưởng của ngành đóng tàu bắt đầu xuất hiện rõ nét trở lại. Theo khảo sát thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đóng tàu trên cả nước đang nắm giữ trong tay số lượng đơn hàng đến hết năm 2025, thậm chí kéo dài đến hết năm 2028.
Thế nhưng, bài toán khó đặt ra cho các doanh nghiệp đóng tàu trước nỗi lo về già hóa và khan hiếm lao động. Trước đó, cuộc đổ vỡ của ngành đóng tàu khiến nhiều lao động lành nghề, kỹ sư đã chuyển sang làm công việc khác, đến giờ nhiều vị trí vẫn chưa được tuyển dụng bổ sung đủ. Cơ sở hạ tầng, thiết bị, công nghệ của các doanh nghiệp đóng tàu cũng đang dần xuống cấp, không đáp ứng được thiết kế, sản xuất tàu hàng, tàu du lịch… theo nhu cầu thị trường hiện nay.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng, ông Hoàng Văn Nguyên chia sẻ, cuộc cách mạng 4.0 đang diễn sôi nổi, đòi hỏi các ngành nghề phải áp dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao hiệu quả cạnh tranh, cung cấp cho khách hàng các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn mới nhất về đóng tàu trên thị trường quốc tế.
“Doanh nghiệp chúng tôi cũng bắt buộc phải học hỏi thêm những công nghệ mới để đưa vào sản xuất. Điển hình phải kể đến như đầu tư máy làm mát ngoài trời cho công nhân đóng tàu, hay chuyển từ máy cắt thủ công sang máy cắt plasma, tới đây là máy cắt lazer, đảm bảo tiết kiệm thời gian, giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thực sự đủ tiềm lực để đầu tư các máy móc, trang thiết bị tối tân này,” ông Nguyên cho biết.
Theo đánh giá của SBIC, tuy một số doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn Hải Phòng còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đây là những đơn vị có nguồn nhân lực kỹ thuật cao và cơ sở hạ tầng tốt, có khả năng đóng được những con tàu hiện đại của thế giới. Vì vậy, sau khi được tái cơ cấu, các doanh nghiệp như Phà Rừng, Thái Bình Dương, Sông Cấm, Nam Triệu,… đã đóng được những con tàu lớn, chất lượng cao, phục vụ trong nước và xuất khẩu, góp phần mang đến “cuộc cách mạng” mới cho ngành đóng tàu.