Bất động sản

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản Quảng Nam

Tuấn Vỹ 12/08/2024 22:17

Còn nhiều hạn chế từ cơ chế chính sách ở các cấp trên lẫn địa phương nên việc tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản Quảng Nam vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Chiều ngày 12/8, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Chủ trì buổi làm việc, ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay thời gian qua địa phương đã có nhiều phương án để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, việc giải quyết các vướng mắc thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả nhất định.

Theo quan điểm ông Dũng, nếu doanh nghiệp khỏe thì địa phương mới khỏe. Thế nhưng, có nhiều vấn đề vượt thẩm quyền của địa phương, vì vậy Quảng Nam phải báo cáo và chờ đợi các cấp thẩm quyền có ý kiến.

levandung.jpg
Ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận việc giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả nhất định.

“Nếu doanh nghiệp vẫn khó khăn thì kinh tế của tỉnh sẽ tiếp tục khó khăn, vì vậy địa phương sẽ quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp. Nếu vấn đề trong khả năng sẽ làm ngay, còn nếu có vấn đề vượt thẩm quyền thì địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu”, ông Lê Văn Dũng nói.

Theo tổng hợp của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đang gặp phải vô vàn khó khăn, xuất phát từ năng lực của cơ quan làm công tác bồi thường, Công tác quản lý hiện trạng và sự quyết liệt của địa phương. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn về thời điểm thực hiện nghĩa vụ ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, khó khăn về công tác giao đất, khó khăn về mảng xây dựng, xây lắp,...

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho rằng vẫn còn hàng loạt khó khăn kéo dài vẫn chưa thể tháo gỡ được. Ông Bảo cũng đưa ra ý kiến rằng hiện nay không thể viện vào lỗi sai ở sở ngành, địa phương hay doanh nghiệp,... nên việc giải quyết vẫn còn nhiều lúng túng. Cùng với đó, vẫn còn nhiều hạn chế từ cơ chế chính sách ở các cấp trên lẫn địa phương, việc tháo gỡ vẫn diễn ra đơn lẻ nên các vướng mắc của doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết triệt để.

tranquocbao.jpg
Ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho rằng vẫn còn hàng loạt khó khăn kéo dài vẫn chưa thể tháo gỡ.

“Làm sao giải quyết được vấn đề của hơn 250 dự án bất động sản trên địa bàn một cách triệt để cùng lúc, nên có tổ công tác đặc biệt để giải quyết từng vấn đề, của từng dự án, có thể là một tuần năm dự án. Nếu các vấn đề vượt cấp đến Trung ương thì tiếp tục kiến nghị để giải quyết. Cùng với đó, vấn đề còn xuất hiện ở việc nếu mỗi sở làm một kiểu, tham mưu một kiểu đến lãnh đạo tỉnh thì rất khó để xử lý các vấn đề về cơ chế, thể chế”, ông Trần Quốc Bảo nói.

Nói về các khó khăn trong chính sách, ông Bảo cho rằng các dự án đều gặp khó từ khâu GPMB. Nguyên nhân là do con người làm công tác đền bù, GPMB không đủ, dẫn đến phải giao đất kiểu “da beo” rồi lại phải đi giải quyết vấn đề.

Cũng theo ông Bảo, hiện nay các Trung tâm phát triển quỹ đất tại các địa phương không thể làm nổi khối lượng công việc. Đặc biệt, nếu không thể giao đất, đền bù thì sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề mà các doanh nghiệp đang gặp phải.

Vì vậy, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đề xuất thành lập tổ công tác giải tỏa đền bù cấp huyện và tổ công tác tháo gỡ cấp tỉnh có giám sát hàng tuần, hàng tháng báo cáo UBND tỉnh đối với từng dự án cụ thể. Cùng với đó, với những dự án có tiền tạm ứng bồi thường lớn hơn tiền ký quỹ nhưng dự án bị chậm tiến độ do lỗi của địa phương chậm bàn giao mặt bằng và không phải lỗi do nhà đầu tư thì tiếp tục được tạm hoãn ký quỹ và được gia hạn tiến độ theo quy định...

trannamhung.jpg
Ông Trần Nam Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng nếu các dự án đã triển khai và đang làm dở dang thì không thể phân kỳ đầu tư.

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, ông Lê Văn Dũng khẳng định tỉnh Quảng Nam luôn xem doanh nghiệp như người nhà. Theo quan điểm của vị này, những thủ tục hành chính rườm rà cần phải tinh gọn, nếu không cần thiết, Luật không quy định thì nên bỏ không triển khai.

“Với việc lấy ý kiến, nên chỉ lấy một lần từ lúc cấp chủ trương đầu tư, sau này không cần lấy nữa. Đối với giá đất, cần xem xét điều chỉnh để giá đất Quảng Nam không cao hơn các tỉnh lân cận và các địa phương khác. Đối với các dự án vướng mắc, tỉnh Quảng Nam đã thành lập các tổ có lãnh đạo phụ trách, giải quyết từng dự án cụ thể. Tỉnh không có quan điểm khó khăn của doanh nghiệp là riêng, mà đó cũng là khó khăn của tỉnh, của lãnh đạo địa phương”, Chủ tịch Quảng Nam nói.

Về các khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt, ông Trần Nam Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng việc phân kỳ đầu tư dự án là rất bình thường, tuy nhiên phải làm ngay từ giai đoạn đầu tiên của dự án. Theo ông Hưng, đến nay khi các dự án đã triển khai và đang làm dở dang thì không thể phân kỳ đầu tư.

Theo ông Hưng, việc này cũng không thể điều chỉnh chủ trương đầu tư, vì không có đủ cơ sở pháp lý. Đối với kiến nghị của các doanh nghiệp về việc cấp sổ đỏ lẻ theo block, chiếu theo quy định của pháp luật hiện hành, ông Hưng cho rằng chưa doanh nghiệp nào được cấp sổ lẻ.

Ông Hưng cho biết thêm, những vấn đề mà Ủy ban kiểm tra Trung ương chỉ ra, nếu các doanh nghiệp đã đóng tiền nhưng vẫn ở tài khoản tạm giữ, thì vẫn chưa nộp vào ngân sách để thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đối với giá đất hiện nay, nếu được xác lập mới thì cần phải chờ thêm thời gian, các doanh nghiệp phải lưu ý vấn đề này.

“Luật cũ hay Luật mới đều yêu cầu hoàn thiện hạ tầng theo đúng quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt. Tỉnh đã tính phương án, với nhóm 1 là các doanh nghiệp đã hoàn thiện nghĩa vụ tài chính, hoàn thiện hạ tầng thì hướng xử lý là tỉnh sẽ chấp nhận tiền doanh nghiệp nộp vào tài khoản tạm giữ là tài sản đảm bảo, doanh nghiệp cam kết thực hiện đầy đủ, sẽ trả thì Nhà nước sẽ làm việc cấp sổ. UBND tỉnh sẽ báo cáo Ban thường vụ tỉnh ủy về vấn đề này”, ông Hưng nói.

Nhóm thứ 2, là đối với các doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng vướng chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng 1/500 được duyệt thì doanh nghiệp sẽ không được tách thửa, cấp sổ. Nhóm này, nếu doanh nghiệp đã hoàn thiện 80% cơ sở hạ tầng thì UBND tỉnh sẽ báo cáo Ban thường vụ tỉnh ủy, trình phương án cấp sổ. Trong đó, phương án cụ thể là doanh nghiệp được cấp sổ lẻ với tỷ lệ 70% số của 80% hạ tầng đã hoàn thiện, tuy nhiên ông Hưng cho rằng phương án này là rất khó.

Kết thúc buổi gặp mặt, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khuyến nghị các doanh nghiệp, các ngành cần tập trung nghiên cứu và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai mới. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các bên cần thực hiện theo cách nhanh nhất, trách nhiệm nhất, hiệu quả nhất và không làm khó lẫn nhau.

“Cam kết với cộng đồng doanh nghiệp là tỉnh sẽ có trách nhiệm đồng hành thật sự với doanh nghiệp, sẽ theo sát với doanh nghiệp, để đem lại lợi ích đích thực cho doanh nghiệp. Tất cả phải vì sự phát triển chung của tỉnh Quảng Nam. Không có sân trước, sân sau, đi đêm, đi ngày” ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cam kết.

Tuấn Vỹ