Du lịch

Phở Nam Định trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lê Linh - Bùi Hiền 12/08/2024 23:25

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định công bố quyết định đưa phở Nam Định vào danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian.

Tinh hoa ẩm thực

Nam Định được xem là “cái nôi” của phở, với nhiều làng nghề nổi tiếng như Giao Cù, Tây Lạc, Vân Cù… Phở Nam Định có lịch sử hơn 100 năm (khoảng năm 1900), sau đó phát triển ra các thành phố lớn của miền Bắc như Hải Phòng, Hà Nội… Phở Nam Định hiện nay đã có mặt khắp các địa phương trong nước và cả ở nước ngoài, được nhiều người ưa chuộng. Ngày nay, phở trở thành mọi món ăn được mọi lứa tuổi yêu thích và được sử dụng ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

Trải qua thời gian dài, phở trở thành niềm tự hào của Nam Định. Bởi lẽ, phở Nam Định đã khẳng định được giá trị thương hiệu ẩm thực với những nét độc đáo thể hiệu ở tất cả các khâu: từ công đoạn chuẩn bị, lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm, phương thức làm ra sợi phở đặc trưng, công đoạn chế biến, hoàn thiện một bát phở thơm ngon, đậm đà bản sắc, hương vị địa phương, giàu dinh dưỡng…

Điểm nhấn của phở Nam Định khác biệt so với các tỉnh, thành phố khác nằm ở khâu chế biến nước dùng với những nguyên liệu tươi ngon chủ yếu từ xương bò, xương lợn cùng bí kíp xử lý nguyên liệu sao cho loại bỏ mùi hôi, dậy lên mùi béo ngọt của xương hầm. Việc chọn lọc nguyên liệu, gia vị chính là bí quyết để tạo thành hương vị phở mang đậm bản sắc văn hóa của Nam Định không lẫn với các vùng khác. Đây là yếu tố quyết định để hãng truyền thông CNN của Mỹ đã lựa chọn và vinh danh phở Việt là một trong 20 món ẩm thực có nước dùng ngon nhất thế giới năm 2024.

Theo số liệu kiểm kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có khoảng 300 cửa hàng bán phở phân bố khắp 10 huyện, thành phố, trong đó thành phố Nam Định và huyện Nam Trực là những địa phương đông đảo về số lượng nhất. Tại đây, có nhiều cửa hàng đã qua 2-3 thế hệ, có tuổi đời từ 30-50 năm. Bên cạnh đó, còn rất nhiều cửa hàng có tuổi đời từ 10-20 năm và nhiều cửa hàng mới mở trong những năm gần đây. Những quán phở Nam Định không chỉ được mở tại trung tâm thành phố mà còn được mở tại các vùng lân cận, các địa phương trên toàn tỉnh.

pho-nam-dinh.png
Phở Nam Định với nước dùng thanh, ngọt từ xương

Đại diện cửa hàng phở Phi Nhung, huyện Giao Cù, tỉnh Nam Định cho biết: Cửa hàng của tôi tới nay đã được hơn 30 năm. Điều đặc biệt của cửa hàng cũng như nhiều cửa hàng phở tại Nam Định là nước dùng thanh, được ninh từ xương ống. Chính vì vậy, cửa hàng cũng có nhiều khách trung thành, ghé quán thường xuyên.

Chị Phạm Như Phương, người dân Hải Phòng cho biết: Phở Nam Định có nước dùng thanh, ngọt đậm vị xương hơn những nơi khác. Phở cũng có nhiều thịt hơn, sợi phở dai, không hóa chất. Tôi thực sự bị ấn tượng bởi phở của địa phương ngay trong lần đầu thưởng thức tại cửa hàng phở chính gốc.

Giá trị văn hóa vươn xa

Phở Nam Định được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 2326/QĐ-BVHTTDL, đưa phở vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: mang tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương. Đặc biệt, thông qua phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế thừa, phát huy qua nhiều thế hệ. Những giá trị văn hóa ấy có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài, được đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Để đưa phở vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, UBND tỉnh Nam Định đã triển khai mọi công tác nhằm bảo tồn, phát triển những làng nghề làm phở nổi tiếng với những nét độc đáo riêng, thể hiện trong tất cả các khâu từ chuẩn bị, lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm và phương thức chế biến, hoàn thiện một bát phở đạt chuẩn.

UBND tỉnh Nam Định đã phối hợp triển khai xây dựng Đề án hỗ trợ các nghệ nhân, gia đình và đơn vị sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, đúng chuẩn phở Việt nói chung và phở Nam Định nói riêng. Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định đã tổ chức nhiều buổi phổ biến, hướng dẫn cách nấu ăn ngon, chia sẻ cách chọn gia vị, chế biến, giúp các hội viên nâng cao trình độ chế biến phở, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời cũng phát huy rõ nét những giá trị văn hóa của địa phương.

Festival Phở năm 2024 được tổ chức tại Nam Định
Festival Phở năm 2024 là cơ hội để tỉnh Nam Định giới thiệu, quảng bá hình ảnh phở của địa phương đến gần hơn với du khách

Trước đó, tại Festival Phở năm 2024 với nhiều hoạt động bổ ích, ghi nhận những tham vấn đóng góp của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, đại diện địa phương, cộng đồng… để nhận diện di sản văn hóa trong bối cảnh mới. Lễ hội cũng nhằm tôn vinh, bảo tồn một nghề lâu đời, giàu giá trị văn hóa của người Việt, hướng tới xây dựng hồ sơ, đưa vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể thế giới. Bên cạnh đó, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp được kết nối, trao đổi thêm về phương thức tạo ra một bát phở ngon, đậm đà bản sắc. Thông qua Festival Phở năm 2024, tỉnh Nam Định cũng giới thiệu phở đến gần hơn với du khách trong và ngoài địa phương.

Việc phở Nam Định trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xem là cơ sở để Chính phủ đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, ghi danh phở Nam Định vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sau khi được ghi danh, UBND tỉnh Nam Định cũng nhanh chóng đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể phở Nam Định, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản văn hoá ẩm thực phở Nam Định, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với di sản, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, của các tổ chức hội, hiệp hội ẩm thực và cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ giá trị thương hiệu, sản phẩm ẩm thực đặc sắc của đất và người Nam Định.

Phở Nam Định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng là bước đệm cho việc phát triển kinh tế, du lịch tại địa phương trong tương lai.

Lê Linh - Bùi Hiền