Giải bài toán hút khách quốc tế cho du lịch Việt
Trước thách thức về sự thay đổi của nhu cầu thị trường yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp du lịch phải chuyển đổi cách thức phát triển sản phẩm du lịch, cũng như tiếp cận khách hàng.
Giá tour nước ngoài hấp dẫn
Chưa bao giờ giá tour du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan… lại rẻ như hiện nay. Các hãng hàng không và công ty du lịch nước ngoài ồ ạt khuyến mãi, chào mời tour giá tốt, cộng với chính sách nới rộng visa, chào đón du khách Việt.
Ông Nguyễn Nam Phương - PGĐ Viettralve Hải Phòng cho biết: Mặc dù thủ tục visa cũng khó khăn song Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan – Trung Quốc vẫn thu hút khách nước ngoài trong đó có lượng lớn khách Việt. Hiện, du khách Việt đang được đánh giá là thị trường du lịch tiềm năng của Nhật Bản; Hàn Quốc; Đài Loan - Trung Quốc.
Với thị trường du lịch trong nước, thời gian gần đây du khách Việt chuyển sang khuynh hướng đi du lịch tự do đối với các điểm đến trong nước. Hiện nay, lượng khách đặt tour nội địa ít hơn hẳn tour ra nước ngoài. Tuy nhiên, lý do chính khiến thị trường tour ra nước ngoài tăng trưởng tốt, đó là do giá tour đến các điểm nóng này ngày càng giảm, cộng với việc nới lỏng visa, miễn chứng minh tài chính, ưu đãi giảm giá cho khách đoàn lớn…
Bà Nguyễn Kim Ngân – Công ty Công nghệ XNK Thái Bình cho biết: Công ty muốn chọn kỳ đi du lịch nước ngoài cho CBCNV văn phòng. Dạo qua một vòng các trang web tiếp thị của nhiều công ty lữ hành trên toàn quốc thì thấy, giá tour Hàn Quốc dao động từ 13 - 18 triệu đồng/người (vài năm trước khoảng 20 triệu đồng); tour Đài Loan từ 13 - 17 triệu đồng/người (2 năm trước từ 16 - 18 triệu đồng); tour Nhật Bản có giá từ 25-40 triệu đồng (2 năm trước có giá hơn 30 -50 triệu đồng)… giá đã bao gồm cá thủ tục xin visa, vé máy bay, ăn nghỉ tại nước bạn.
Theo bà Ngân với chi phí như trên để đi du lịch nước ngoài là hợp lý. Đây cũng là một trong lý do vì sao Việt Nam đang là thị trường tiềm năng cho du lịch quốc tế.
Theo ước tính có khoảng hơn 12 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài vào năm 2023, với tổng mức chi tiêu lên tới 8 - 10 tỷ USD; trong khi khoảng 5 năm, mức chi này chỉ khoảng 5 tỷ USD.
Còn theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch chỉ tính riêng du khách Việt đến Hàn Quốc 6 tháng đầu năm 2024, nước này đã đón hơn 293.000 lượt khách du lịch Việt Nam. Đặc biệt, với số lượng khách tăng đều qua mỗi tháng, tăng trưởng 30% so cùng kỳ năm 2023, và đạt gần 90% so cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19, cho thấy mức độ hồi phục du lịch Hàn Quốc sau đại dịch đang có xu hướng rất tích cực.
Bài toán nào cho du lịch Việt?
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp du lịch Việt đang đứng trước thách thức về sự thay đổi của nhu cầu thị trường, buộc họ phải chuyển đổi cách thức xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch cũng như tiếp cận và chiều lòng khách hàng mục tiêu.
Những ngày này, các doanh nghiệp lữ hành tiếp tục đón nhiều đoàn khách quốc tế. Công ty Dịch vụ Lữ hành Sunykao cho biết trong tuần qua đã đón và phục vụ một đoàn khách Hàn Quốc đến Việt Nam bằng hàng không, tham quan Cát Bà - Vịnh Hạ Long.
Các chuyên gia cho rằng bên cạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến của riêng từng doanh nghiệp, vẫn cần chiến lược tổng thể từ quy mô quốc gia bài bản, đồng bộ cho các thị trường trọng điểm để đa dạng thị trường nguồn khách.
Theo thống kê, đã có gần 5,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, thị trường du lịch châu Á được đánh giá là có tiềm năng. Từ trước đến nay, du khách Hàn Quốc là một trong những thị trường lớn, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển du lịch tại Việt Nam. Tuy nhiên, du khách Nhật, Đài Loan - Trung Quốc cũng có đóng góp không nhỏ, luôn đứng top các nước có lượng khách đến nước ta nhiều nhất.
Với du khách Nhật Bản, họ quan tâm nhiều đến giá cả, biện pháp an toàn trong dịch bệnh. Còn đối với du khách Đài Loan, họ quan tâm đến những rủi ro về sức khỏe có thể xảy đến trong chuyến đi.
Chi phí là vấn đề mà du khách Nhật Bản đặc biệt quan tâm, họ mong muốn có được những trải nghiệm xứng đáng với số tiền bỏ ra. Trong khi đó, vấn đề di chuyển thuận lợi là điều mà du khách Đài Loan mong muốn, có thể những hạn chế trong đại dịch đã khiến họ cảm thấy mệt mỏi. Về khả năng sẵn sàng chi tiêu cho du lịch thì là 42,5% đối với du khách Nhật Bản.
Theo ông Hồ An Phong - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch: Mặc dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng nhanh, lượng khách mà các doanh nghiệp lữ hành phục vụ lại không tăng nhiều. Một trong những nguyên nhân đầu tiên là hình thức đi du lịch không theo tour hay du lịch tự túc đang ngày càng trở nên phổ biến.
Xu hướng này càng được thúc đẩy bởi sự “lên ngôi” của chuyển đổi số. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh trong tay, khách du lịch đã có thể tự tìm kiếm và đặt dịch vụ một cách rất thuận tiện thông qua các nền tảng trực tuyến.
Bên cạnh đó, xu hướng du lịch nội khối trong khu vực châu Á, đã được đẩy rất nhanh từ tác nhân là dịch bệnh. Du khách ưu tiên các chuyến đi sử dụng đường bay ngắn (1 - 2 giờ, không quá 8 giờ) tới các điểm đến nằm trong khu vực.
Riêng Việt Nam, thị trường châu Á hiện chiếm tới 81% tổng lượng khách quốc tế. Các thị trường xa, ngoại khối, khu vực châu Âu, châu Mỹ gần như không tăng trưởng nhiều mặc dù là đối tượng được hưởng trực tiếp các ưu đãi từ chính sách thị thực Có thể thấy những thị trường khách du lịch quốc tế tiềm năng của nước ta chưa thật sự được chú tâm khai thác.
Tiềm năng phát triển du lịch Việt Nam là vô cùng lớn, do vậy mà các doanh nghiệp du lịch cần phải đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông hơn nữa để thu hút du khách quốc tế.
Điều này cũng một phần lớn là do các doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, chưa có đủ kinh nghiệm và nguồn lực để tác động mạnh mẽ đến thị trường nước ngoài.