Chính sách khuyến khích chuyển đổi sang xe xanh: Chờ đến bao giờ?
Nhiều quốc gia bên cạnh Việt Nam đã ban hành chính sách đồng bộ và hấp dẫn để khuyến khích chuyển đổi sang xe xanh. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa làm được.
Yêu cầu cấp bách
Chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về triển khai chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và trạm sạc xe điện đầu tháng 8/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu: Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan, địa phương, để rà soát, đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi sang phương tiện giao thông dùng điện, nhiên liệu xanh, đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và người sử dụng.
Số liệu của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, hiện có khoảng 73 triệu xe máy và 6 tiệu ô tô đăng ký lưu hành. Trong đó, chỉ có khoảng 3 triệu xe máy điện và 45.000 ô tô điện hóa (hybrid, hybrid sạc ngoài, thuần điện), còn lại là xe sử dụng xăng, dầu.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, với tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông như hiện nay, tới năm 2030 tổng số xe máy đăng ký lưu hành sẽ đạt khoảng 90 triệu chiếc, còn ô tô khoảng 10 triệu chiếc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, lượng khí thải CO2 (cacbon dioxit) của Việt Nam hiện nay là 500 triệu tấn/năm. Đến năm 2030, nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp giảm phát thải, lượng CO2 có thể tăng lên tới 900 triệu tấn. Đây là mức độ tăng rất lớn. Trong đó có tỷ lệ lớn đến từ các phương tiện giao thông vận tải.
Để đạt cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đòi hỏi chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch là tất yếu. Trong số những loại phương tiện không phát thải hiện nay, xe điện đóng vai trò cốt lõi. Xe điện đang có sức hút nhất định, có thể thuyết phục người tiêu dùng chuyển đổi.
Về chính sách, hiện tại ô tô điện được ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt các mức 3% với xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống; mức 2% với xe từ 10-16 chỗ và ô tô vừa chở người vừa chở hàng; mức 1% với xe từ 16-24 chỗ ngồi, đến hết ngày 28/02/2027. Cùng với đó là miễn lệ phí trước bạ đến hết 28/02/2025. Còn với xe máy điện thì chưa có chính sách ưu đãi nào. Những chính sách này được cho là thiếu đồng bộ, chưa đủ mạnh mẽ để khuyến khích toàn xã hội chuyển đổi sang giao thông xanh.
“Trông người lại ngẫm đến ta”
Trong khi đó, nhiều quốc gia bên cạnh Việt Nam đã ban hành chính sách đồng bộ và hấp dẫn với phương tiện giao thông xanh từ rất sớm với 3 trụ cột gồm: ưu đãi cho nhà sản xuất: trợ cấp người mua xe; hỗ trợ phát triển hạ tầng và các thủ tục hành chính ưu tiên xe xanh.
Điển hình là Trung Quốc, từ năm 2009 – 2022 đã chi hơn 200 tỉ nhân dân tệ (tương đương 29 tỉ USD) dành riêng cho các khoản trợ cấp và giảm thuế cho ô tô điện, nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi. Với các doanh nghiệp thì được trợ cấp dựa trên doanh số bán hàng. Tức là bán càng nhiều xe xanh thì mức hỗ trợ càng hấp dẫn. Từ năm 2017, Trung Quốc áp dụng một hệ thống chấm điểm dành cho ngành công nghiệp ô tô. Theo đó, các hãng sản xuất chế tạo xe năng lượng sạch, sẽ được thưởng điểm và trừ điểm các hãng chế tạo ra những mẫu xe tiêu tốn nhiên liệu hóa thạch… Đến nay, Trung Quốc đã đạt được thành công lớn trong việc chuyển đổi sang giao thông xanh và phát triển ngành công nghiệp xe điện.
Thái Lan và Indonesia cũng tương tự đã xây dựng hệ thống thuế ưu đãi với xe phát thải CO2 thấp. Xe càng phát thải thấp càng nhận được ưu đãi lớn. Cùng với đó là hỗ trợ người dân tiền chuyển đổi sang ô tô và xe máy điện. Chẳng hạn, tại Indonesia Chính phủ đã áp thuế 0% đối với xe điện, so với mức 10% của xe xăng. Hỗ trợ 5.000 USD trừ vào giá cho mỗi chiếc ô tô điện bán ra và 500 USD cho xe máy điện. Chính phủ chi trả 320 USD cho chi phí chuyển đổi từ một chiếc xe máy động cơ đốt trong sang xe điện…
Để người dân có thể thoải mái sử dụng xe điện, các quốc gia này cũng có chính sách ưu đãi phát triển cơ sở hạ tầng trạm sạc, giảm phí đối với người sử dụng xe điện…
Tại Việt Nam, cách đây đúng 1 năm, vào đầu tháng 8/2023, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất hàng loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển ô tô điện. Từ miễn giảm thuế, lãi vay cho các dự án đầu tư sản xuất lắp ráp xe và pin; ưu đãi thuế, phí dài hạn cho các sản phẩm ô tô điện bán ra; trợ cấp cho người dân 1.000 USD khi mua ô tô điện; miễn thuế nhập khẩu linh kiện, thiết bị để lắp đặt trạm sạc điện và miễn thuế đất trong 5 năm…
Tuy nhiên, đề xuất này không biết đang ở đâu. Cả năm qua chưa có chính sách ưu đãi, hỗ trợ nào về chuyển đổi sang xe xanh được ban hành. Đến nay, Phó Thủ tướng Chính phủ lại yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải làm đề xuất.