Kinh tế địa phương

Quảng Ninh: Đẩy mạnh xuất nhập khẩu những tháng cuối năm

Bùi Hiền 15/08/2024 09:00

Quảng Ninh đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế xuất nhập khẩu những tháng cuối năm.

Tận dụng tiềm năng

Quảng Ninh là địa phương có thế mạnh về vị trí địa lý, là cửa ngõ giao thương bằng các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không với các địa phương trong nước và quốc tế. Đây cũng là địa phương duy nhất trên cả nước có cả biên giới trên bộ và trên biển giáp với Trung Quốc, có các cặp cửa khẩu đường bộ, đường biển trọng điểm trong giao thương giữa 2 nước, mở ra nhiều điều kiện trong việc phát triển kinh tế cho địa phương.

Bên cạnh đó, các cơ sở hạ tầng giao thông cũng được tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện, tăng kết nối với các địa phương trong và ngoài nước như cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, tạo thành chuỗi cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Vân Đồn – Móng Cái, kết nối Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh với Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc), kết nối 2 cửa khẩu quốc tế quan trọng khu vực miền Bắc Việt Nam với Lào Cai và Móng Cái với 2 cửa khẩu quốc tế của Trung Quốc là Hà Khẩu (Vân Nam) và Đông Hưng (Quảng Tây). Đây được coi là điều kiện hết sức thuận lợi, mở ra nhiều cơ hội mới trong việc kết nối giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế giữa Quảng Ninh với thị trường trong và ngoài nước, nhất là với Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu của Quảng Ninh có nhiều khởi sắc. Điển hình, tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng ước tính đạt 33,7 triệu USD. Trong đó chính ngạch đạt 17,7 triệu USD; xuất khẩu của cư dân biên giới đạt trên 15,2 triệu USD, tăng 77,19% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản đông lạnh, nông sản bèo, cói, hạt tiêu, nhãn khô, hạt sen khô, cá khô, cá cơm…

hoat-dong-xuat-nhap-.png
Hoạt động xuất nhập khẩu của Quảng Ninh những tháng cuối năm hứa hẹn tăng trưởng mạnh mẽ

Ông Đậu Hùng Dương - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Bắc Phong Sinh cho biết: Để đảm bảo thông quan hàng hóa và tạo điều kiện tối đa giúp doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu, Chi cục chủ động, tích cực phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi tại khu vực cửa khẩu bố trí địa điểm và tạo điều kiện bảo quản, phân loại chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp trong thời gian chờ xuất khẩu. Đồng thời phối hợp với các lực lượng tại cửa khẩu để điều tiết giao thông, đảm bảo an ninh trật tự; đẩy mạnh cải cách hành chính hiện đại hóa, đơn giản hóa quy trình thủ tục, cắt giảm chi phí, giảm thời gian thông quan giải phóng hàng hoá, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Mặt khác, UBND tỉnh xác định khai thác thị trường FTA, để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhằm mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh. Theo đó, Quảng Ninh sẽ tiếp tục các hoạt động xuất khẩu về thiết bị điện tử, linh kiện, xi măng, clinke, than, dầu thực vật, nến cao cấp, vonfram, sợi hóa học, vải bạt polyme, đá vôi, giày dép, quần áo, thủ công mỹ nghệ, gốm sứ… sang các thị trường Singapore, Malayxia, Thái Lan, Indonesia, Philippin và xúc tiến thâm nhập các thị trường còn nhiều tiềm năng như Lào, Myanma, Brunei.

Đồng thời tận dụng tối đa các ưu đãi từ các hiệp định đa phương và song phương để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thủy sản chế biến, hàng may mặc, nến cao cấp, gạch, gốm cao cấp, xơ sợi, than, dăm gỗ... sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản; xuất khẩu than, gạch ốp lát, gốm, thuỷ hải sản, nến cao cấp, xi măng… vào thị trường Ấn Độ, Pakistan; xuất khẩu hàng điện tử, may mặc, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, gạch ốp lát, gốm sứ, nến cao cấp, bật lửa... sang thị trường EU.

Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Bạch Ðằng, ông Ngô Văn Tùng cho biết: Lô hàng thủy, hải sản tươi sống của công ty được vận chuyển từ Cà Mau ra Hà Nội, sau đó đi thẳng qua tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trong thời gian rất ngắn. Tại Móng Cái, các lực lượng chức năng khối cửa khẩu đã tạo mọi điều kiện để đơn vị thông quan hàng hóa, bảo đảm thời gian giao hàng với đối tác theo đúng hợp đồng đã ký.

Đẩy mạnh đồng bộ giải pháp

Với việc triển khai đồng bộ các biện pháp, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vào thị trường tiềm năng thông qua các hiệp định, tình hình xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Tính riêng 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 1,966 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Xi măng ước đạt 61,1 triệu USD, clinker 65,8 triệu USD, xơ, sợi bông ước đạt 262 triệu USD, thủy sản chế biến ước đạt 3,2 triệu USD, quần áo các loại ước đạt 172 triệu USD, dầu thực vật 1,4 triệu USD, nến 40,7 triệu USD, dăm gỗ 171 triệu USD…

Năm 2024 Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh đạt 11% so với cùng kỳ, trong đó tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu 65%, tăng tỷ trọng vào thị trường xuất khẩu khu vực châu Á đạt khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu, thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu đạt khoảng 5%, thị trường xuất khẩu khu vực châu Mỹ đạt khoảng 2%, thị trường xuất khẩu khu vực châu Phi đạt khoảng 1%, thị trường xuất khẩu khu vực khác đạt khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng hóa bền vững cho xuất khẩu. Đặc biệt, tập trung cho công tác tạo quỹ đất sạch để sản xuất các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh để tạo nguồn hàng ổn định cho việc xuất khẩu, đem lại giá trị gia tăng lớn cho địa phương. Bên cạnh đó, cần tạo ra các sản phẩm cho năng suất cao, đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là các thị trường khó tính.

"Thời gian tới, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh trao đổi, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời có giải pháp tháo gỡ, đề xuất cấp có thẩm quyền gỡ vướng cho doanh nghiệp; tận dụng các cơ hội sẵn có để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động xuất nhập khẩu, đảm bảo các mục tiêu thu ngân sách năm 2024", ông Dương cho biết thêm.

tinh-quang-ninh-tao-moi-truong-thong-thoang-cho-doanh-nghiep-xnk.png
Tỉnh Quảng Ninh chủ động tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông quan

UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực thông quan, tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cửa khẩu. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án, nghiên cứu về vật liệu mới, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng, bảo đảm đạt tiêu chuẩn của các sản phẩm nông - lâm - thủy sản trên địa bàn theo quy trình nuôi trồng, sơ chế, chế biến, bảo quản, vệ sinh an toàn thực phẩm đạt chuẩn Global GAP.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc kết nối, xúc tiến thương mại, phân phối hàng hóa, mở rộng thị trường với trong và ngoài nước. Đồng thời, ưu tiên những dự án có quy mô lớn và có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. UBND tỉnh cũng quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển các loại hình dịch vụ logistics, giảm chi phí logistics, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong logistics.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, thời gian tới Sở tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị, sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy hoạt động mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là tại các cửa khẩu, lối mở biên giới, để đảm bảo thông quan thuận lợi, an toàn, hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp. Sở cũng thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp các thông tin liên quan, tình hình tại cửa khẩu… Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ kịp thời điều chinh các chế độ sao cho tránh rủi ro đến doanh nghiệp.

Được biết, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số, nhằm đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, hoàn thành các mục tiêu trong những tháng cuối năm. Trong đó chú trọng vào các hoạt động xúc tiến thương mại số đối với các thị trường xuất khẩu chủ lực, thị trường có FTA với Việt Nam. Từ đó góp phần là cầu nối hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tại Quảng Ninh phát triển bền vững.

Bùi Hiền