Kinh tế thế giới

Thế giới cần Trung Quốc trong chuyển đổi năng lượng sạch

Cẩm Anh 15/08/2024 10:15

Nhiều chuyên gia cho rằng thế giới không nên "gạt bỏ" Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

untitleda.jpg
Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất tấm pin mặt trời để xuất khẩu tại Liên Vân Cảng, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng năng lượng sạch đặt ra thách thức cho các chính phủ đang cố gắng xanh hóa nền kinh tế của họ và đáp ứng các mục tiêu khí hậu đang đến gần trong khi bảo vệ toàn bộ các ngành công nghiệp và hàng nghìn việc làm khỏi làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ.

Nếu không có xe điện (EV), tấm pin mặt trời, tua bin gió và pin của Trung Quốc, việc giảm ô nhiễm có thể mất nhiều thời gian hơn và cuối cùng sẽ làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cạnh tranh toàn cầu gia tăng trong lĩnh vực công nghệ xanh đang làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc, nhà sản xuất lớn nhất thế giới và các đối tác thương mại chính của nước này.

Mỹ và EU đã áp dụng lập trường cứng rắn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, với việc Washington tăng thuế không chỉ đối với xe điện của nước này mà còn đối với pin, tấm pin mặt trời và các khoáng sản quan trọng.

"Cuộc cạnh tranh giành vị thế trong nền kinh tế năng lượng sạch rất khốc liệt, vì không nhất thiết chỉ liên quan đến mối quan tâm về biến đổi khí hậu", Fatih Birol, Tổng giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trả lời các phóng viên trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

"Điều này được thúc đẩy bởi mối quan tâm về chính sách công nghiệp rằng ai sẽ có được vị thế nào trong cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo trong ngành công nghiệp", ông Birol nói thêm.

Hiện tại, Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua. Năm ngoái, quốc gia này chiếm 3/4 đầu tư toàn cầu vào sản xuất công nghệ sạch, mặc dù con số này đã giảm so với mức 85% vào năm 2022, theo IEA.

untitled.jpg
Xe điện chuẩn bị xuất khẩu tại Cảng Taicang ở Tô Châu, Trung Quốc, tháng 4/2024. Ảnh: AFP

Năm nay, quốc gia này đang có kế hoạch đầu tư 676 tỷ USD vào năng lượng sạch nói chung trong bối cảnh nhu cầu về tấm pin mặt trời, pin lithium và xe điện tăng mạnh. Con số này cao gấp đôi so với mức đầu tư dự kiến ​ 315 tỷ USD của Mỹ và vượt xa con số 370 tỷ USD của EU.

Những khoản đầu tư khổng lồ đó đã đưa Trung Quốc trở thành nhà cung cấp lớn nhất và có chi phí thấp nhất thế giới về nhiều công nghệ và khoáng sản quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Theo IEA, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã sản xuất hơn một nửa số xe điện được bán trên toàn thế giới vào năm ngoái. Năng lực sản xuất toàn cầu về pin EV và pin sử dụng trong công nghiệp, tua bin gió và tấm pin mặt trời cũng tập trung tại Trung Quốc.

Tương tự, các khoáng chất quan trọng cần thiết cho EV và các công nghệ xanh khác cũng cho thấy sự dẫn đầu của Trung Quốc. Hơn một nửa quá trình chế biến lithium và coban toàn cầu diễn ra ở Trung Quốc, cũng như hầu hết quá trình tinh chế than chì, được sử dụng trong EV và đất hiếm, rất quan trọng đối với máy phát điện trên tua bin gió.

Sự dẫn đầu của Bắc Kinh đối với quá trình chế biến một số khoáng chất quan trọng đi kèm với những rủi ro cụ thể đối với quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu. Năm ngoái, Trung Quốc đã áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với gali và germani để đáp trả các biện pháp hạn chế của Hoa Kỳ, Hà Lan và Nhật Bản đối với việc xuất khẩu một số thiết bị bán dẫn sang Trung Quốc.

Mặc dù thuế quan có thể bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, nhưng các chuyên gia cho rằng chúng có thể gây hại cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, cũng như làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, thế giới đã trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là về các thành phần thô của nền kinh tế năng lượng sạch”, các chuyên gia David G. Victor và Michael R. Davidson viết trong một bài báo gần đây của Brookings.

Các chuyên gia này cho rằng thuế quan sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến các bên muốn sử dụng tấm pin mặt trời hoặc pin đều khó đạt được các mục tiêu giảm phát thải hơn.

"Việc cố gắng chuyển sang năng lượng xanh mà không có Trung Quốc sẽ làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu. Điều đó không tốt cho môi trường”, chuyên gia David G. Victor nói thêm

Đồng quan điểm, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế Pierre-Olivier Gourinchas đã cảnh báo rằng sự gia tăng thuế quan và các biện pháp bảo hộ khác có thể khiến việc phối hợp các chính sách để giải quyết các thách thức toàn cầu, chẳng hạn như quá trình chuyển đổi khí hậu, trở nên khó khăn hơn.

Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc chuyển sang năng lượng sạch sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho hành tinh. Theo báo cáo được công bố bởi Viện McKinsey Global, việc triển khai các công nghệ phát thải thấp trên toàn thế giới chỉ đạt khoảng 10% mức cần thiết để đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trong khi đó, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục gia tăng, và các quốc gia nghèo nhất đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, các nhà hoạch định chính sách phương Tây nên hướng đầu tư vào đổi mới và các công nghệ mới nổi, thay vì trợ cấp cho các ngành công nghiệp như năng lượng mặt trời và gió.

Theo chuyên gia Victor, khi nói đến các khoáng sản cần thiết cho công nghệ xanh, thế giới nên hướng đến việc đa dạng hóa nguồn cung.

Cẩm Anh