Khu thương mại tự do: Động lực tăng trưởng mới của địa phương
Chia sẻ với DĐDN, ông Trần Thanh Hải, Chuyên gia Thương mại quốc tế và Logistics nhấn mạnh, khu thương mại tự do sẽ là điểm nhấn để thu hút dòng đầu tư, làm mới động lực để phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.
Thời gian qua, các địa phương liên tiếp đề xuất xây dựng khu thương mại tự do. Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 136/2024/QH15 cho phép Đà Nẵng được thí điểm xây dựng mô hình này.
- Thưa ông, khu thương mại tự do là gì? Tại sao bây giờ chúng ta mới nghe nói nhiều về mô hình này?
Khu thương mại tự do (free trade zone) còn gọi là khu tự do (free zone) là khu vực do nhà nước xác định, hàng hóa của nước ngoài có thể đem đến, xử lý, chế biến, chia tách, đóng gói, gia công, chế biến mà không chịu thuế xuất nhập khẩu.
Khu thương mại tự do không phải là một điều gì quá mới mẻ. Các nước đã áp dụng, triển khai từ lâu.
Năm 2021, Hải Phòng là địa phương đầu tiên đã đề xuất thành lập khu thương mại tự do. Tuy nhiên, do khu thương mại tự do chưa được quy định ở các văn bản pháp luật nên phải đưa lên xin ý kiến Quốc hội. Do điều kiện chưa chín muồi nên đề xuất này chưa được thông qua.
Đến tháng 6 vừa rồi, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 136/2024/QH15, trong đó cho phép Đà Nẵng được thí điểm xây dựng khu thương mại tự do.
- Cùng với khu thương mại tự do, có một số khái niệm nữa cũng được nhắc tới như khu phi thuế quan, khu chế xuất, kho ngoại quan,... Khu phi thuế quan và khu thương mại tự do có phải là một hay không, thưa ông?
Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 định nghĩa như sau: "Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu".
Như vậy, khu phi thuế quan là một thuật ngữ chung chỉ tất cả những loại khu đáp ứng yêu cầu có hàng rào ngăn cách và có cơ quan hải quan kiểm soát ra vào. Cụ thể, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, khu bảo thuế, kho ngoại quan, bãi ngoại quan, khu thương mại tự do,... đều là khu phi thuế quan. Nói cách khác, khu phi thuế quan là một khái niệm bao trùm, để chỉ nhiều loại hình khu cụ thể.
Khu thương mại tự do là một loại hình khu phi thuế quan, nên mang tất cả những đặc điểm của khu phi thuế quan như định nghĩa ở trên.
- Vậy sự phân biệt giữa khu thương mại tự do với khu công nghiệp, khu chế xuất và các loại hình khác là như thế nào, thưa ông?
So với khu công nghiệp, khu chế xuất thì khu thương mại tự do có những điểm khá tương đồng. Về quy mô, đó đều là những khu vực có diện tích rộng từ hàng trăm héc-ta trở lên, do một doanh nghiệp đứng ra đầu tư, san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng của khu và sau đó mời gọi các doanh nghiệp khác vào xây dựng cơ sở kinh doanh.
Tuy nhiên, khu công nghiệp không phải là khu phi thuế quan. Hàng hóa ra vào khu công nghiệp không đòi hỏi có sự giám sát của lực lượng hải quan, đây chỉ là hàng hóa lưu thông trong nội địa như các hàng hóa thông thường.
Trong khi đó, khu chế xuất và khu thương mại tự do đều là khu phi thuế quan. Với khu chế xuất, doanh nghiệp trong khu chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo, chế biến. Còn với khu thương mại tự do, ngoài doanh nghiệp sản xuất, chế tạo, chế biến thì có thể có các doanh nghiệp dịch vụ. Đặc biệt là các doanh nghiệp dịch vụ liên quan đến khâu xử lý hàng hóa như chia tách, đóng gói, dán nhãn, phân loại, sơ chế trước khi chuyển tiếp đi các nước khác hoặc đưa vào thị trường Việt Nam. Hàng hóa trung chuyển, phân phối vào thị trường các nước lân cận thông qua khu thương mại tự do có thể luân chuyển nhanh hơn, khối lượng lớn hơn.
Như vậy, khu chế xuất thường chỉ tập trung vào sản xuất hàng hóa để xuất khẩu, trong khi khu thương mại tự do bên cạnh hàng hóa sản xuất tại chỗ thì còn tập trung vào việc thu hút, “kéo” nguồn hàng từ các nước khác đến để rồi lại đi. Bằng việc gia tăng luồng hàng như vậy, các dịch vụ đi kèm, từ cảng, kho bãi, giao nhận cũng đều tăng theo. Đó là lý do tại sao chúng ta nói khu thương mại tự do là một động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics.
Có thể nói, khu thương mại tự do là một phiên bản mở rộng của khu chế xuất, nên có những ưu điểm lớn hơn so với khu chế xuất.
- Đà Nẵng đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết chấp thuận cho thí điểm làm khu thương mại tự do. Ông thấy Đà Nẵng có những thuận lợi và khó khăn gì khi triển khai mô hình này?
Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước được làm khu thương mại tự do. Điều này có ý nghĩa rất lớn để quảng bá, để thu hút đầu tư. Khu thương mại tự do vì thế sẽ là điểm nhấn để thu hút đầu tư, cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, làm mới động lực để phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố trong giai đoạn tới.
Một khi khu thương mại tự do được hình thành, thu hút các nhà đầu tư đến với Đà Nẵng, điều này sẽ làm gia tăng hoạt động sản xuất, tăng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và lưu chuyển trong nước.
Cùng với đó, khu thương mại tự do cũng sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho ngành dịch vụ logistics. Trong khi Đà Nẵng đang muốn định vị mình như một điểm đầu của Hành lang Kinh tế Đông – Tây, đây sẽ là một điểm nhấn quan trọng giúp Đà Nẵng làm việc này.
Về mặt thách thức, sau khi có Nghị quyết thì Đà Nẵng cũng phải triển khai một số việc. Trước hết, khu thương mại tự do này được xác định gắn với cảng biển Liên Chiểu, mà cảng này hiện đang ở giai đoạn khởi động, chưa có nhà đầu tư chính thức nên hiệu quả thu hút cũng chưa thật sự rõ ràng. Nhưng cũng có thể, khi công bố về khu thương mại tự do này thì các nhà đầu tư vào cảng biển Liên Chiểu sẽ quan tâm, mạnh dạn hơn.
Bên cạnh đó, tìm kiếm nhà đầu tư khu thương mại tự do có đủ năng lực triển khai cũng là một thách thức. Ở đây không chỉ là vấn đề vốn để đầu tư hạ tầng ban đầu, giống như đầu tư một khu công nghiệp, mà còn là quan hệ, uy tín để có thể mời gọi, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đặt cơ sở kinh doanh ở đây.
Ngoài ra, về quy mô thì có thể hình dung diện tích khu thương mại tự do của Đà Nẵng không quá lớn. Vì diện tích đất gắn với khu vực cảng Liên Chiểu không nhiều, bị chia cắt bởi các tuyến đường Quốc lộ 1A, cao tốc Bắc Nam, đường sắt và hạn chế do gần núi, đã có nhiều công trình dân sinh.
- Vậy khu thương mại tự do có thể đặt gần sân bay không, thưa ông?
Về nguyên tắc, khu thương mại tự do đặt ở những nơi có luồng hàng hóa giao lưu mạnh với nước ngoài mới có thể phát huy được tối đa lợi thế, lợi ích của mình. Những nơi như vậy có thể là cảng biển, sân bay, cửa khẩu đường bộ. Những nơi có luồng hàng phong phú nhưng không phải là hàng hóa giao lưu với nước ngoài thì cũng không phù hợp với khu thương mại tự do.
Sân bay cũng là nơi hàng hóa giao lưu mạnh, nên cũng có thể phát triển khu thương mại tự do. Khu thương mại tự do gắn với sân bay rất thích hợp để đặt các trung tâm phân phối, gia công, lắp ráp các mặt hàng giá trị cao như hàng điện tử, mỹ phẩm, dược phẩm, thời trang.
Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển đột biến như hiện nay, khu thương mại tự do đặc biệt thích hợp để đặt các trung tâm chia chọn (sorting center) và đáp ứng đơn hàng (fulfillment center) cho hàng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng không dễ để làm khu thương mại tự do gắn với sân bay. Trước hết, tên khu thương mại tự do được Quốc hội duyệt trong Nghị quyết đã gắn với "cảng biển Liên Chiểu". Thực ra, tên khu thương mại tự do không nhất thiết với khu vực cụ thể, nhưng có thể Đà Nẵng muốn quảng bá cho cảng biển Liên Chiểu trong tương lai nên đã đưa luôn tên của cảng này vào Nghị quyết. Điều quan trọng nữa, là sân bay Đà Nẵng nằm ở giữa thành phố, không còn có đủ diện tích để xây dựng một khu chức năng xử lý hàng hóa, chưa nói đến một khu thương mại tự do.
- Như vậy thì theo ông, sân bay nào có thể làm khu thương mại tự do, sân bay Long Thành có là phù hợp?
Nếu nói đến sân bay thì hiện nay một số sân bay còn có diện tích để có thể làm khu thương mại tự do, như sân bay Vân Đồn ở miền Bắc, sân bay Chu Lai ở miền Trung, sân bay Cần Thơ ở miền Nam.
Hiện nay, các sân bay của nước ta chú trọng khai thác về mặt hành khách là chính. Để phát triển logistics hàng không nói chung, và tạo ra những khu thương mại tự do gắn với sân bay nói riêng, sân bay phải có chính sách thu hút hàng hóa, thể hiện qua việc chú trọng xây dựng nhà ga hàng hóa công suất lớn, có sân đỗ cho máy bay chở hàng (freighter), dành diện tích phù hợp cho các khu chức năng xử lý hàng hóa, mà khu thương mại tự do là điển hình.
Sân bay Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất nước ta, làm một đầu mối hàng không cấp khu vực và quốc tế. Theo dự kiến, khi hoàn tất thì sân bay có thể xử lý được 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. So với lượng hàng hóa các sân bay cả nước xử lý năm 2023 là 1,1 triệu tấn (năm 2019 trước khi xảy ra dịch Covid-19 là 1,25 triệu tấn) thì đây là con số khá lớn, tương đương năng lực xử lý của sân bay Hong Kong hiện nay. Để Long Thành đạt được mục tiêu này, khu thương mại tự do là một động lực cần thiết.
“Khu thương mại tự do sẽ là điểm nhấn để thu hút dòng đầu tư, làm mới động lực để phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương”, ông Trần Thanh Hải, chuyên gia thương mại quốc tế và logistics.
- Mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất xây dựng khu thương mại tự do gắn với cảng Cần Giờ, ông đánh giá đề xuất này như thế nào?
Quy hoạch cảng biển Việt Nam được điều chỉnh mới đây đã đưa cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào danh sách ưu tiên phát triển. Cùng với đó, cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh cũng được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt (hiện nay chỉ có 2 cảng biển đặc biệt là Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu). Cùng với hệ thống cảng biển hiện có, đây là thuận lợi lớn để đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm dịch vụ logistics hiện đại, bao gồm đẩy đủ các loại hình dịch vụ logistics.
Tuy nhiên, Cần Giờ cũng là nơi có khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn cần được bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học. Theo thiết kế dự kiến, cảng Cần Giờ sẽ sử dụng phần đất ở hai cù lao nằm ở cửa sông Cái Mép kết nối với nhau thành một khu bến cảng, nhưng vẫn phải sử dụng một phần đất liền trên địa phận huyện Cần Giờ. Một khu thương mại tự do gắn với cảng Cần Giờ có nghĩa là phải sử dụng một diện tích đất đáng kể ở khu vực này, như vậy liệu có ảnh hưởng, tác động như thế nào đến khu dự trữ sinh quyển hay không, cần có đánh giá, nghiên cứu thật kỹ lưỡng.
Trên thực tế, một khu thương mại tự do gắn với cảng biển hoặc sân bay, cửa khẩu, nếu không thể nằm ngay cạnh cảng biển đó thì cũng có thể đặt ở một khu vực xa hơn. Miễn là chúng ta đảm bảo cơ chế giám sát hải quan phù hợp. Thành phố Hồ Chí Minh có thể nghiên cứu đặt khu thương mại tự do ở địa điểm phù hợp, hoặc phối hợp với các tỉnh bạn như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để cùng triển khai. Đứng trên quan điểm liên kết vùng, chúng ta cần phối hợp, cùng nhau khai thác tối đa những lợi thế của khu vực để cùng phát triển.
- Ông có lời khuyên như thế nào với các địa phương cũng đang có ý định, mong muốn phát triển khu thương mại tự do?
Việt Nam chúng ta là một đất nước có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, trong đó có dịch vụ logistics. Khu thương mại tự do là một động lực mới để giúp các địa phương thu hút đầu tư, phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu, tăng trưởng dịch vụ logistics.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có nhìn nhận, đánh giá đúng về tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để có đề xuất cho thích hợp. Các địa phương có cảng biển, sân bay, cửa khẩu với lưu lượng hàng hóa lưu thông, xuất nhập khẩu lớn là những địa phương có thể và nên xem xét việc thành lập khu thương mại tự do, đưa vào quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương để có dư địa phát triển trong thời gian tới.
Các địa phương mặc dù có lượng hàng hóa lưu thông hiện nay chưa lớn, nhưng có lợi thế cảng biển cũng có thể coi khu thương mại tự do là đòn bẩy để thu hút hàng hóa cho cảng. Ví dụ như Nghi Sơn của Thanh Hóa, Chân Mây của Thừa Thiên Huế, Chu Lai của Quảng Nam, Vân Phong của Khánh Hòa.
Với các địa phương có lưu lượng hàng hóa lớn nhưng chỉ thuần túy phục vụ xuất khẩu hoặc nhập khẩu thì không phải là địa chỉ phù hợp của khu thương mại tự do. Các địa phương này nên phát triển các khu công nghiệp để gia tăng hàm lượng chế biến, nâng cao giá trị cho hàng hóa trước khi xuất khẩu.
Nhưng trước hết, để các địa phương có thể triển khai thì cần phải có cơ sở pháp lý. Thiết nghĩ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ trì, đứng ra trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó bổ sung thêm định nghĩa về khu thương mại tự do và đưa vào một số nội dung như đã nêu tại Nghị quyết 136/2024/QH15 là đủ để các địa phương có thể thực hiện.
Trân trọng cảm ơn ông!