Dòng vốn “chảy” vào bất động sản giảm
Theo Bộ Xây dựng, tính đến cuối tháng 5/2024, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tăng gần 9% so với cuối tháng 2.
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Xây dựng, dựa trên số liệu của NHNN, tính đến 31/5/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng.
Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 10,29%
Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng (chiếm khoảng 60% tổng dư nợ tín dụng bất động sản, tăng 1,15% so với cuối năm 2023). Còn dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng 10,29% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản.
Như vậy, số dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng thêm 131.393 tỷ đồng, đạt 1.205.437 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong số này (26,45%) là dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở, đạt 318.799 tỷ đồng; theo sau là dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa, nhà để bán, cho thuê, đạt 126.794 tỷ đồng, chiếm 7,8%; dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất là 94.402 tỷ đồng, chiếm 7,8%.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng vẫn nhấn mạnh lĩnh vực cho vay bất động sản thời gian qua có sự sụt giảm khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân đều chậm lại. Như ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ, tính đến hết ngày 17/6, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng mới tăng 2,1% bởi tín dụng cá nhân, chủ yếu là vay mua bất động sản tăng chậm, thậm chí còn tăng trưởng âm tại quý I/2024.
Lý giải vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng giá nhà neo cao là yếu tố cản trở người mua nhà xuống tiền. Trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản vẫn còn chật vật để duy trì hoạt động và tái đầu tư sau những năm thị trường khó khăn.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nhiều doanh nghiệp địa ốc không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do sức khỏe của các đối tượng này vốn đã suy yếu từ lâu cùng với các khó khăn của thị trường. Một nhóm các doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận được với nguồn vốn, đủ khả năng để hấp thụ nguồn vốn lại đang bị vướng mắc về pháp lý…
Báo cáo Bộ Xây dựng cũng nêu rõ, mặc dù giá nhà đang ở mức cao nhưng giao dịch thực tế không nhiều, nguyên nhân được cho là giá nhà đang chênh lệch lớn so với thu nhập của người dân, xu hướng này vẫn duy trì do kinh tế khó khăn và thu nhập chưa có dấu hiệu tăng trở lại.
Tìm giải pháp tháo gỡ
Để thúc đẩy tín dụng ngành bất động sản, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị NHNN tập trung chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn nghiên cứu xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà xã hội với thời hạn vay từ 10 đến 15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn 3 - 5% so với cho vay thương mại thông thường để đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có cơ hội, động lực để mua nhà.
Để khơi thông nguồn vốn tín dụng cho thị trường bất động sản, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng Chính phủ, các bộ ngành và hệ thống ngân hàng cần sớm ban hành các văn bản, nghị định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 3 luật mới được thông qua. Nhằm đảm bảo tính “tương thích” giữa 3 bộ luật cả về mặt phạm vi, đối tượng, thời gian và không gian.
Trong khi chờ đợi tác động thực tế của 3 bộ luật mới có hiệu lực, sự hỗ trợ về chính sách tín dụng của NHNN được cho là sẽ tiếp thêm lực đẩy cho thị trường trở nên minh bạch và bền vững hơn.
Bộ Xây dựng cho biết, trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi còn chậm, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay vẫn đang “ấp ủ” kế hoạch mở rộng quỹ đất để phát triển dự án. Đáng chú ý, yếu tố minh bạch pháp lý và chiến lược phát triển bền vững là những tiêu chí hàng đầu mà doanh nghiệp lựa chọn để đầu tư.
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp đã nghiêm túc và tính toán kỹ hơn về phương án, tìm hiểu thị trường để làm sao các dự án đất sạch hoàn chỉnh về mặt pháp lý, nộp đầy đủ tiền sử dụng đất và có thể đưa vào khai thác trong các năm tới. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê văn phòng và nghỉ cũng hướng đến các quỹ đất phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của mình trong thời gian tới.
Pháp lý rõ ràng cũng sẽ giúp tiến trình giải ngân vốn của các ngân hàng diễn ra thuận lợi hơn, trong bối cảnh các ngân hàng ngày càng thận trọng hơn trước rủi ro nợ xấu bất động sản gia tăng.