Nam Định: Ưu tiên xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng
UBND tỉnh Nam Định đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, trong đó ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng, tạo sức lan tỏa lớn, đảm bảo phát triển đồng bộ, thúc đẩy liên kết với các vùng.
Kế hoạch ban hành nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh). Đồng thời, xây dựng lộ trình tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đã đề ra.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định cụ thể tiến độ, nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch, đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực, chương trình, dự án theo nội dung quy hoạch đã được phê duyệt...
Tập trung xây dựng
UBND tỉnh Nam Định đưa ra chủ trương thực hiện các dự án đầu tư công, trong đó ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, tạo nền tảng bền vững trong thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt đẩy mạnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, bảo đảm cho việc liên kết với các vùng trong và ngoài nước. Mặt khác, cũng chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng điện nước, hạ tầng cấp điện, hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các trung tâm đô thị lớn được xác định rõ ràng trong Quy hoạch tỉnh.
Không chỉ dừng lại ở đó, việc đầu tư hoàn thiện, trùng tu, tôn tạo các hệ thống cơ sở hạ tầng các khu du lịch biển trên địa bản tỉnh, phát huy giá trị các di tích quốc gia, di tích đặc biệt… góp phần tăng cường hoạt động du lịch tại địa phương. Tỉnh cũng tiến hành xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự chủ về đầu tư, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực khoa học và công nghệ, các công trình, dự án thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt. Các sở ban ngành phối hợp thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, tăng cường quốc phòng, an ninh, làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng tại địa phương.
Tỉnh Nam Định cũng ưu tiên các nhiệm vụ cho các ngành, lĩnh vực trọng tâm, tạo bước đột phá phát triển và phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh. Điển hình như xây dựng các công trình cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa Hà Nội – Lạch Giang, tuyến Cửa Đáy – Ninh Bình… hạ tầng logistics, cảng cạn như cảng trên sông Đào nhằm phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách.
Việc xây dựng hạ tầng các KCN, CCN, các dự án đầu tư phát triển vùng kinh tế biển, ven biển cũng được đẩy mạnh, trở thành cực tăng trưởng cho Nam Định trong thời gian tới. Quá trình xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án xây dựng hạ tầng thương mại - dịch vụ hiện đại, các dự án cấp nước phục vụ sản xuất công nghiệp, đô thị và nông thôn, các dự án đầu tư phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và đảm bảo an sinh xã hội, các dự án về xử lý rác thải, nước thải và giảm ô nhiễm môi trường tại địa phương cũng dần được triển khai, mở rộng.
Hiện, Nam Định cũng chú trọng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao tại địa phương. Theo đó, thời kỳ 2021-2030, UBND tỉnh tiếp tục khai thác 6 KCN đã được thành lập, gồm: Hòa Xá (thành phố Nam Định), Mỹ Trung (Mỹ Lộc), Bảo Minh (Vụ Bản), Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng), Bảo Minh mở rộng, Mỹ Thuận (Mỹ Lộc - Vụ Bản). Từ đây mở ra thêm nhiều bước đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Ông Phạm Đình Nghị – Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định khẳng định, khi các dự án kết cấu hạ tầng tại địa phương đi vào hoạt động, dự kiến sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 16.200 lao động và lao động địa phương sẽ được ưu tiên. Đồng thời, cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tạo điều kiện cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, đem lại giá trị và tạo nguồn thu ngân sách địa phương, khơi dậy những lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển của tỉnh.
Tạo môi trường đầu tư thông thoáng
UBND tỉnh Nam Định cho biết, để thu hút thêm vốn đầu tư, Nam Định sẽ nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư cởi mở, thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thông qua những doanh nghiệp đã đầu tư thành công tại địa phương sẽ góp phần quảng bá về tiềm năng, cơ hội đầu tư tới cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng được thương hiệu của địa phương.
Tỉnh cũng tiếp tục kêu gọi, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, điện tử, chế biến nông sản, cơ khí… Tập trng đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài rào các khu du lịch, khu, cụm công nghiệp (cấp điện, nước, đường giao thông…). Hiện, việc kết nối đầu tư, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài ở địa phương chủ yếu từ Đài Loan, Trung Quốc, một số nước châu Âu đến tìm hiểu cơ hội, xúc tiến đầu tư được địa phương.
Thời gian qua, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là công tác thẩm định, cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư đến tìm hiểu, tiến hành xúc tiến đầu tư tại tỉnh.
Ông Lee Ark Boon - Tổng Giám đốc Sembcorp Development, đồng Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VSIP miền Bắc, miền Trung và Tây Nam Bộ của Việt Nam chia sẻ: Tinh thần quyết liệt, hành động chuyên nghiệp trong hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp của các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh mà VSIP đã trực tiếp trải nghiệm trong thời gian tiếp cận, tìm hiểu, xúc tiến đầu tư là yếu tố mấu chốt để Tập đoàn Sembcorp và Công ty VSIP Việt Nam đi đến quyết định đầu tư thực hiện dự án xây dựng KCN Hải Long. Đây cũng là một trong những yếu tố thuận lợi để Tập đoàn Sembcorp và Công ty VSIP Việt Nam tự tin trong quảng bá, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đến Nam Định đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh tại KCN Hải Long sau khi hoàn tất xây dựng.
UBND tỉnh Nam Định cũng nhấn mạnh việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển một số ngành công nghiệp trọng yếu trong thời gian tới, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách. Đặc biệt, quá trình đầu tư xây dựng doanh nghiệp phải thân thiện với môi trường, có tác động lan tỏa, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất.
Kế hoạch cũng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm khác, thúc đẩy việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại cho doanh nghiệp trên địa bàn. Phát triển thị trường khoa học công nghệ, các hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.