Giãn cách lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Ngay từ những ngày đầu tham gia góp ý dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia, quan điểm của EY là cần chọn phương pháp phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, khi giá bán mặt hàng bia cao cấp và bia phổ thông chênh lệch quá nhiều, việc áp dụng phương pháp tính thuế tương đối là hợp lý. Đây cũng là phương pháp phù hợp với cam kết của Việt Nam với tư cách thành viên WTO. Ngoài ra, phương pháp này có thể đảm bảo mục đích của việc thay đổi luật, đảm bảo quyền lợi của đa số, do mặt hàng bia phổ thông hiện tại vẫn phổ biến hơn ở Việt Nam.
Về mặt thuế suất, đề xuất thuế cần hài hòa lợi ích của Chính phủ, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Tôi đã cập nhật nhiều thông tin dự báo liên quan đến doanh thu của ngành sẽ sụt giảm đáng kể khi tăng thuế suất theo hai phương án hiện nay. Từ quan điểm này, tôi cho rằng, không nên tăng thuế suất cao như hiện nay và đề xuất nên giãn cách lộ trình tăng thuế để hài hòa lợi ích các bên: doanh nghiệp vẫn đứng vững, người tiêu dùng điều chỉnh được hành vi và Nhà nước có được nguồn thu từ thuế.
Ngoài mặt hàng rượu bia, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bên có liên quan để có số liệu nghiên cứu cụ thể, năm nay Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trước đề xuất này, cá nhân tôi nhận thấy rằng các nhà sản xuất cần cân nhắc trách nhiệm của mình trong việc nghiên cứu để sản xuất các sản phẩm có đảm bảo nồng độ đường phù hợp, thêm khoáng chất để đảm bảo cho sức khỏe, góp phần thay đổi hành vi người tiêu dùng.
Khi đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt được đưa ra, phía nhà sản xuất quan tâm đến thị trường phi chính thức và hàng lậu gia tăng. Tôi cho rằng khi đã tăng thuế, Nhà nước có thể huy động sự tham gia đồng bộ của các cơ quan chức năng như hải quan, công an để giải quyết vấn đề này.