Sức hút từ đào tạo giảng viên nguồn
Cũng phải mất 4 năm, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – đơn vị thường trực triển khai Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia - mới tổ chức lại khóa tập huấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho giảng viên nguồn.
Khóa học kéo dài 5 ngày (từ 29/7 – 2/8/2024) đã thu hút nhiều đối tượng đăng ký dự học, từ cán bộ quản lý sở ban ngành đến doanh nhân (hoạt động từ 5 năm trở lên) và giảng viên đại học/cao đẳng từ khu vực Nam Trung bộ trở ra. Sự hấp dẫn của khóa tập huấn một phần cũng bắt đầu từ đây.
Cơ sở đào tạo tin cậy
Trăn trở của Ban tổ chức khi mở khóa tập huấn đó là sức hút của các học viên đăng ký tham gia có được sôi nổi và hào hứng như khoảng thời gian 2017 – 2018 khi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) vẫn còn rất mới mẻ đối với Việt Nam.
Mặt khác, các chương trình đào tạo của Đề án 844 về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNĐMST đến năm 2025 đã được một số trường đại học triển khai trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, với uy tín và kinh nghiệm tổ chức các khóa đào tạo về khởi nghiệp của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia hơn 20 năm qua đã là cơ sở tin cậy để các học viên đăng ký tham gia.
Ông Nguyễn Thành Đồng, giảng viên về khởi sự kinh doanh của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia - học viên của lớp cho biết: “Tôi và vợ của tôi cùng đăng ký tham dự khóa tập huấn này. Chúng tôi được tiếp cận với Chương trình khởi sự kinh doanh từ rất lâu nhưng đến giờ thấy rằng, hiện nay nhiều trường đại học và địa phương đều dạy về khởi nghiệp và KNĐMST nhưng cách tiếp cận của các đơn vị này khác nhau. Thêm nữa, đề cương chương trình đào tạo - bộ giáo trình tài liệu khác nhau nên dẫn đến người học và người dạy không có sự thống nhất về nội dung, chưa nói đến kỹ năng. Tôi thấy rằng với lớp học của VCCI, đội ngũ chuyên gia - giảng viên giảng dạy là những người được Chính phủ Phần Lan đào tạo từ Chương trình IPP (dự án đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan), cộng với năng lực thực chiến của các học viên thì đây là cơ hội không phải lúc nào chúng tôi cũng được tiếp cận”.
Kỳ vọng từ khóa tập huấn
Mỗi học viên khi tham gia khóa học đều có những kỳ vọng và mong muốn cho riêng mình sau khi khóa tập huấn kết thúc. Ông Nguyễn Thành Đồng bày tỏ: “Những kiến thức và phương pháp mà các giảng viên đã truyền đạt sẽ đem đến cho chúng tôi cách nhìn mới về khởi nghiệp, đặc biệt là KNĐMST trong trường đại học. Hy vọng, sau khóa học này, các học viên sẽ có được một chương trình đào tạo khởi nghiệp tương đối thống nhất và phù hợp cho sinh viên không chỉ ở một trường nào đó mà ở chung nhiều trường”.
Về phía Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, Ban tổ chức và các giảng viên khi xây dựng chương trình tập huấn tập trung củng cố và nâng cao những kiến thức kỹ năng xoay quanh KNĐMST.
Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh cho biết, chúng tôi đã lồng ghép vào những bài tập thực hành trực tiếp trên lớp, giúp người học có thể dễ dàng tiếp cận đến kiến thức hơn; kết hợp với việc ứng dụng các công cụ AI để hỗ trợ tìm kiếm thông tin phục cho việc nghiên cứu thị trường và xây dựng chân dung khách hàng…
Chương trình cũng đặt giảng viên, cố vấn và chủ doanh nghiệp vào một chương trình kinh doanh cụ thể, mang trải nghiệm thực tiễn để hình thành được sự đồng cảm với khởi nghiệp sáng tạo, bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh nói.