Kinh tế

Kiểm kê khí nhà kính - việc không thể chậm trễ

Thu Duyên- Thu Hiền 16/08/2024 03:00

“Để giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới trung hòa carbon và net zero thì có rất nhiều việc phải làm như chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi năng lượng... Nhưng một trong những việc đầu tiên, và xuyên suốt quá trình này là cần phải tính toán, kiểm kê khí nhà kính, xem hiện nay chúng ta đang ở đâu”.

Ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp QUACERT, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc Gia nhấn mạnh tại Diễn đàn “Chuyển đổi xanh: netzero và trung hòa carbon và kiểm kê khí nhà kính” vừa diễn ra tại Hải Phòng mới đây.

1.jpg
Toàn cảnh diễn đàn: "Chuyển đổi xanh: Net zero, trung hòa carbon, tín chỉ carbon và kiểm kê khí nhà kính". Diễn đàn thu hút sự tham gia đông đảo các doanh nghiệp tại Hải Phòng và các tỉnh lân cận.

Diễn đàn do Trung tâm chứng nhận phù hợp (Quacert), Viện Chiến lược công nghệ Logistics (VLIST), Hiệp hội Logistics Hải Phòng, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng phối hợp tổ chức. Diễn đàn đã cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong kiểm kê khí nhà kính, trung hòa carbon. Diễn đàn cũng chia sẻ những chương trình, dự án cụ thể về chuyển đổi xanh, các phương pháp trung hòa carbon đã và đang được triển khai. Qua đó giúp các doanh nghiệp tại Hải Phòng hiểu được các yêu cầu và thực tiễn về chuyển đổi xanh, net zero và trung hòa carbon, tín chỉ carbon và kiểm kê khí nhà kính.

Giai đoạn “sôi lên toàn cầu”

Theo ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp QUACERT, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc Gia thông tin, tại Hội nghị COP 26 năm 2021, Việt Nam đã cùng với đa số các nước trên thế giới đã cam kết phát thải ròng khí nhà kính bằng không (Net Zero) vào năm 2050. Đây là cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức lớn nếu chúng ta biết rằng công nghệ của chúng ta còn lạc hậu, phát thải cao. Đến nay, thực tế thế giới vẫn đang tiếp tục nóng lên. Tạo Hội nghị Paris 2015 (COP 21), các nước đã thống nhất giữ cho nhiệt độ trái đất tăng tối đa 2oC, phấn đấu đạt 1,5oC trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, mới đây, Cơ quan môi trường Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã cho biết là nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên 2,9oC trong thế kỷ này. Tháng 7/2023 Tổng thư ký LHQ đã phải phát biểu rằng, giai đoạn ấm lên toàn cầu (Global warming) đã kết thúc và thế giới đang chuyển sang giai đoạn sôi lên toàn cầu (Global boiling).

2- Ông Dũng
Ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp QUACERT, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc Gia.

TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường cho biết, cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội, phát thải khí nhà kính (KNK) của Việt Nam năm 2020 đã và đang gia tăng nhanh. Năm 2010 là 264 triệu tấn C02; năm 2014 là 278 triệu tấn; năm 2016: 317 triệu tấn; năm 2018: 355 triệu tấn; năm 2020: 421 triệu tấn C02. Như vậy, tổng lượng KNK của Việt Nam năm 2020 đã tăng gấp 1,6 lần so với năm 2010.

Các lĩnh vực phát thải chính gồm: năng lượng, quá trình công nghiệp, nông nghiệp sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất, lâm nghiệp và chất thải. Theo kịch bản phát triển thông thường (BAU), tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ đạt 927,9 triệu tấn C02tđ vào năm 2030, khoảng 1 tỷ tấn C02tđ vào năm 2035 và đạt xấp xỉ 1,5 tỷ tấn C02tđ vào năm 2050, gấp 2,5 lần so với năm 2020 và 1,6 lần so với năm 2030.

Kiểm kê khí nhà kính, không thể chậm trễ…

Theo ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp QUACERT, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc Gia, để giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới trung hòa carbon và net zero thì có rất nhiều việc phải làm như chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi năng lượng... Nhưng một trong những việc đầu tiên, và xuyên suốt quá trình này là phải tính toán xem hiện nay chúng ta đang ở đâu. Do đó, kiểm kê khí nhà kính một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác trở thành một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo độ tin cậy, sự công bằng, làm cơ sở cho việc tham gia vào các cơ chế trao đổi tín chỉ carbon.

Hiện nay trên thế giới đã có các tiêu chuẩn quốc tế về kiểm kê khí nhà kính như bộ tiêu chuẩn ISO 14064 hoặc tiêu chuẩn ISO 14067 về định lượng vết carbon, ISO 14068 về trung hòa carbon. Việc áp dụng các tiêu chuẩn như vậy sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo tính chính xác cho các báo cáo phát thải, báo cáo giảm nhẹ phát thải, báo cáo định lượng vết carbon... do các tiêu chuẩn này bao quát tất cả các nguồn phát thải trực tiếp và gián tiếp, ông Dũng khẳng định.

Là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia giảm phát thải khí nhà kính. Chúng ta đã đệ trình và liên tục cập nhật NDC với mức cam kết ngày càng tăng, từ 8% lên 9% lên 15,8% so với BAU năm 2022. Tại hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết Net zero, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; giảm còn 30% phát thải khí metan vào năm 2030; ngăn chặn triệt để nạn phá rừng vào năm 2030.

Tại Diễn đàn, TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường thông tin, Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định các cơ sở thuộc Quyết định số 01/2022/NĐ-CP phải thực hiện nhiều hoạt động. Về kiểm kê giảm phát thải khí nhà kính, các cơ sở cần cung cấp thông tin, số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê KNK theo hướng dẫn của bộ, ngành quản lý lĩnh vực trước ngày 31/3 kể từ năm 2023.

ông Thắng
TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường.

Các cơ sở cần tổ chức thực hiện kiểm kê KNK định kỳ 2 năm một lần cho năm 2024 trở đi gửi UBND cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025 để thẩm định. Hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê KNK gửi Bộ Tài Nguyên và Môi trường trước ngày 1/12 của kỳ báo cáo bắt đầu từ năm 2025, TS Thắng thông tin.

Thu Duyên- Thu Hiền