Trắc trở dự án điện gió 2.100 tỷ đồng ở Quảng Trị - Bài 2: Đâu là nguyên nhân?
Dự án điện gió LIG - Hướng Hóa 1 đang mắc phải vấn đề muôn thuở. Nếu như chính quyền các cấp không quyết liệt tháo gỡ, viễn cảnh nhà đầu tư bỏ đi không còn xa!
Là người bám trụ địa bàn gần như cuối cùng, anh Nam Du - Trưởng Ban quan lý dự án của LIG - Hướng Hóa 1 tâm sự, nhiều dự án đến trước vì chạy đua với thời hạn hưởng giá FIT1 nên không ngần ngại thỏa thuận đền bù đất cho người dân với giá cao bất thường.
Không chỉ “loạn” giá đất?
Cứ thế, nhiều chủ đất sau này lấy đó làm mặc định, kiên quyết không chịu nhân nhượng. Theo dữ liệu từ công ty này, có trường hợp 100m2 đòi giá 250 triệu đồng, cũng có trường hợp 2.400m2 đòi 800 triệu đồng. Mức đền bù như trên cao hơn quy định của nhà nước hàng chục lần, doanh nghiệp không thể chi trả!.
Đơn cử, ông Hồ Văn Thảo có 4.000m2 trong khu vực phải giải tỏa để thi công dự án. Đến thời điểm này, ông Thảo vẫn chưa đồng ý giao đất cho dự án vì chưa thống nhất giá đền bù giải phóng mặt bằng. Lý do nhà đầu tư không chấp nhận cái giá 3 tỷ đồng cho chừng ấy diện tích!
Về phía chính quyền: Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng của huyện phối hợp với chính quyền xã vào vận động nhiều lần nhưng không có kết quả. Tỉ lệ GPMB sau hơn 1 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất và phê duyệt kinh phí đền bù chỉ tương đương 50%.
Lãnh đạo công ty này tâm sự, khi giao dự án chưa có mặt bằng “sạch”, nhà đầu tư gánh thêm công việc “trái nghề” chủ công đàm phán thỏa thuận với chủ đất. Người đồng bào thiểu số với bản tính tự nhiên ít am hiểu luật pháp, doanh nghiệp lại không có “công cụ” chế tài nên rơi vào thế bị động.
Khi được hỏi, có khi nào doanh nghiệp nghĩ đến kịch bản xấu nhất? Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó tổng Giám đốc LIG - Hướng Hóa 1 buồn rầu nói: “thật xót xa nếu phải rời bỏ dự án, vì tiền bạc, công sức chúng tôi đổ vào đây đã quá lớn”.
Khó chồng khó với doanh nghiệp
Cuộc trò chuyện của chúng tôi càng trầm xuống khi Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Hùng bước vào, ông không dấu được cảm xúc buồn bực. Cũng dễ hiểu bởi những vướng mắc trên đã gây ra thiệt hại rất lớn với doanh nghiệp.
Ông Hùng cho biết thêm: “việc thu hồi đất quá chậm làm mất rất nhiều chi phí cơ hội; chi phí bằng tiền thì đội lên từng ngày mà giá điện đang thấp xuống. Các hợp đồng cung cấp thiết bị đã rút, các nhà thầu cũng rời đi, nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng bám trụ lại”.
Ở góc độ là người trực tiếp với dự án, ông Hùng bày tỏ lo lắng, rằng: Chúng tôi tuân thủ đúng pháp luật nhưng còn nhiều hộ dân có vận động 10 năm nữa cũng không xuôi! Người dân đòi hỏi vô lý, nảy sinh tâm lý coi thường pháp luật. Tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt liệt tuy nhiên các cơ quan chức năng ở bên dưới đã không thể đáp ứng. Mặc dù dự án thuộc diện “Nhà nước thu hồi đất” nhưng dường như mọi gánh nặng trong công tác giải phóng mặt bằng đã bị chuyển sang doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn phần.
Lăn lộn với dự án mấy năm nay, anh Du có cảm giác người đồng bào thiểu số dường như bị “tác động tiêu cực” bởi một vài cá nhân cố tình không tuân thủ chủ trương chính sách của Nhà nước tại địa phương. Anh nói: “chúng tôi đầu tư thành công năng lượng sạch nhiều nơi nhưng không ngờ bị “mắc kẹt” ở Quảng Trị”.
Kỳ III: Cận cảnh thiệt hại, chính quyền nói gì?