“Siết” quy định giao mỏ khoáng sản: Hệ luỵ từ các giao dịch “ngầm”
Khi giao mỏ khoáng sản sẽ phát sinh nhiều hệ luỵ xuất phát từ các giao dịch “ngầm” dẫn đến mức đóng góp vào ngân sách Nhà nước chưa tương xứng so với mức độ khai thác, gây tổn thất môi trường.
Theo ông Nguyễn An Phú - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản đối với các mỏ cát, đất, đá... khi giao cho doanh nghiệp khai thác đang bộc lộ nhiều lỗ hổng, bất cập, gây ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của địa phương. Đặc biệt, tình trạng một số doanh nghiệp khi được giao mỏ đã bắt tay, giao dịch “ngầm” với một số đối tác thông qua hình thức cho thuê quyền khai thác như một giao dịch mua bán (mỏ) để kiếm lời, thu lợi bất chính trong khi luật hiện hành không cho phép.
“Lỗ hổng” dẫn tới thất thu
Đơn cử, trường hợp của Công ty TNHH Xây dựng Tân Tín, huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên được UBND tỉnh cấp phép khai thác mỏ cát trong thời gian 10 năm. Trung bình mỗi năm doanh nghiệp này chỉ được phép khai thác 10.000m3/năm. Thế nhưng, sau khi được cấp quyền khai thác và thực hiện được vài năm thì Công ty TNHH Xây dựng Tân Tín đã cho Công ty TNHH SDMORTAR thuê quyền khai thác và doanh nghiệp này đã vi phạm khai thác ngoài ranh giới. Khối lượng cát phát hiện vi phạm, không rõ nguồn gốc là 25.000m3 khiến công tác quản lý, xử lý vi phạm gặp khá nhiều khó khăn, thậm chí phát sinh nhiều hệ luỵ liên quan tới trách nhiệm của cán bộ về công tác quản lý, gây thất thoát ngân sách Nhà nước, tổn thất môi trường tự nhiên.
Cũng theo ông Phú, theo quy định, doanh nghiệp sau khi được cấp mỏ chỉ được phép khai thác khi thực hiện xong các nghĩa vụ về thuế, phí cũng như các điều kiện đi kèm, như: xây dựng trạm cân, camera, vị trí khu vực tập kết, đăng ký phương tiện khai thác, phương tiện vận chuyển... Ngoài ra, đơn vị được cấp mỏ khoáng sản còn phải thực hiện nhiệm vụ báo cáo, ghi sổ sách và gửi về cho cơ quan chức năng để theo dõi, quản lý. Thế nhưng, do các quy định còn nhiều chồng chéo nên việc quản lý khoáng sản của các địa phương gặp khá nhiều khó khăn. Chưa kể, nếu xét về mức độ đóng góp thuế, phí từ các mỏ này chưa thực sự tương xứng với mức độ khai thác.
“Chính sách quản lý hiện tại chưa khuyến khích được doanh nghiệp khai thác khoáng sản một cách tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt, hệ thống quản lý tài chính về khoáng sản vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng, tạo ra kẽ hở dẫn đến việc thất thoát nguồn thu. Do đó, để công tác quản lý mỏ khoáng sản tại các địa phương được tốt hơn, Quốc hội cần sớm thông qua Luật khoáng sản với các điều kiện chặt chẽ về mặt quản lý, phân cấp, phân quyền. Trong đó, lưu ý đến công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch và nên áp dụng đồng bộ theo hướng đấu giá, đấu thầu để tận thu ngân sách, thay vì cơ chế “xin - cho” như hiện nay”, ông Phú chia sẻ.
Những hệ luỵ từ giao dịch ngầm
Bình luận về những hệ luỵ liên quan tới các giao dịch ngầm trong lĩnh vực khoáng sản, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát, hỗ trợ luật sư Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, trên thực tế không quá khó để phát hiện các giao dịch, thoả thuận ngầm trong các hợp đồng kinh tế nói chung và trong lĩnh vực khoáng sản nói riêng. Bởi, không phải thời gian gần đây mà dư luận mới nhắc nhiều đến các cụm từ “lợi ích nhóm” hay “nhóm lợi ích” liên quan đến những thoả thuận ngầm trong các hợp đồng kinh tế, mà vấn đề này đã tồn tại từ nhiều năm qua.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, vấn đề ở đây là trong hệ thống quản lý của các cơ quan chức năng hiện nay còn thiếu chiều sâu dẫn đến khó kiểm soát.
“Tài nguyên khoáng sản là một trong những “nguồn lực” quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, hiện Luật Khoáng sản đã lỗi thời dẫn đến công tác quản lý khoáng sản còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: số lượng các mỏ khoáng sản, số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản tăng nhanh nhưng không có chiều sâu; doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư công nghệ, thiết bị để thu hồi tối đa, sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản; tổn thất khoáng sản khá lớn, thế nhưng sản lượng khai thác thực tế hàng năm lại khó kiểm soát”, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Hải Vân - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là các mỏ khoáng sản đang tồn tại theo cơ chế “xin - cho” đang là vấn đề đáng lưu ý. Song, điều nghi ngại hơn là thu ngân sách không đủ để nuôi bộ máy chính quyền và không đảm bảo cho trang trải chi phí hành chính và cơ sở hạ tầng. Thậm chí, có quy định khai thác mỏ phải đem lại lợi ích cho người dân nhưng ngược lại, khai thác mỏ lại đang tàn phá môi trường. Chưa kể, việc khai thác mỏ theo cơ chế tự khai, tự thu đang được áp dụng trong thời gian qua cũng không còn thích hợp. Điều này khiến nhiều công ty khai thác lãi và rất lãi, thậm chí nhiều trường hợp thấy vậy nên sẵn sàng giao kết, thoả thuận “ngầm” trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, trong khi Luật và quy định không cho phép.
“Do đó, để quản lý chặt chẽ cần có thống nhất từ Trung ương đến phương trên cơ sở căn cứ từ luật, nghị định... đối với các khu vực khoáng sản đều phải đấu giá, đâu thầu quyền khai thác khoáng sản. Ngoại trừ một số khu vực khoáng sản liên quan đến quá trình chuyển tiếp chính sách và một số loại khoáng sản liên quan tới an ninh năng lượng quốc gia và được quy định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản”, Luật sư Nguyễn Hải Vân nhấn mạnh.