Kinh tế

“Xanh hóa” FDI

Trương Khắc Trà 18/08/2024 03:12

Từ đầu những năm 2000, thuật ngữ “FDI xanh” đã bắt đầu được thảo luận, đến nay đã trở thành xu hướng mang tính nguyên tắc.

karcher.jpg
Công ty TNHH Karcher Việt Nam Technology tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy sản xuất thiết bị làm sạch Karcher.

Thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các dự án xanh, Việt Nam có thể giảm “dấu chân carbon” của mình, góp phần vào các nỗ lực toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.

Từ phức tạp đến giản đơn

Dưới góc độ khoa học vẫn chưa thống nhất khái niệm chuẩn thế nào là “FDI xanh”. Nhưng rất nhiều tổ chức uy tín đã đưa ra định nghĩa. Trong đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) định hướng “FDI xanh” là đầu tư vào lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ môi trường và quy trình giảm thiểu phá hoại môi trường, như sử dụng công nghệ sạch hơn hay hiệu quả năng lượng hơn.

Chung quy lại, dòng vốn này phục vụ tương lai phát triển bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái; lấy con người làm tối thượng, đề cao giá trị văn hóa, tinh thần, nhân bản.

Các biểu hiện điển hình hiện nay là sử dụng năng lượng tái tạo, đưa ra lộ trình cụ thể cắt giảm phát thải carbon, tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050; phát triển mạnh lĩnh vực tái chế, thận trọng khai thác tài nguyên thiên nhiên. Về mặt con người, chuẩn hóa quy trình lao động, tăng phúc lợi, giảm giờ làm, chú trọng đời sống tinh thần.

kcn xanh
Các khu công nghiệp phát triển theo hướng xanh và bền vững, thân thiện với môi trường ngày càng có sức hút trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: KCN Kỹ thuật cao An Phát 1, tỉnh Hải Dương

Song song với đó, nhiều quốc gia, khu vực thiết kế lại hệ thống chính sách, thể chế quy định nghiêm ngặt hơn về nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tính nhân văn trong tiêu dùng. Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức bắt buộc các doanh nghiệp niêm yết sẽ phải công bố Báo cáo phát triển bền vững (CSRD), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); Mỹ đang áp dụng tiêu chuẩn Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG); Trung Quốc áp dụng Sáng kiến Shan-Shui,…

Lưu lượng vốn đầu tư theo xu hướng này không ngừng tăng lên trên phạm vi toàn cầu. Quy mô dung lượng sản phẩm và dịch vụ xanh đạt 5.000 tỷ USD, tạo ra hơn 20 triệu việc làm. Riêng quý I/2024, các quỹ đầu tư ESG châu Âu nhận được 11 tỷ USD.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản mạnh tay phát hành lô trái phiếu xanh trị giá 132 tỷ USD nhằm huy động vốn cho các dự án siêu lớn. Trước đó, Ba Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa ra phương án này. Quỹ đầu tư xanh nở rộ dưới 3 hình thức trong khu vực công, khu vực tư nhân và công tư liên danh.

“Trải thảm xanh”

Để phù hợp với xu hướng đầu tư mới, các nước nhận nhiều FDI như Việt Nam cần tấm thảm xanh. Về hạ tầng “mềm”, đó là hệ thống chính sách mới - đảm bảo cho dòng vốn này tránh rủi ro, tiến tới ưu đãi và thu hút dòng vốn FDI xanh. Ví dụ, các quy tắc chưa từng có tiền lệ về nguồn gốc xuất xứ nguyên, nhiên liệu, tỷ lệ sử dụng năng lượng “sạch” trong khu công nghiệp, khu chế xuất kiểu mẫu, thị trường giao dịch tín chỉ carbon.

Về hạ tầng “cứng”, chủ động đầu tư các không gian sản xuất công nghiệp đáp ứng quy chuẩn mới; hạ tầng sản xuất và cung cấp năng lượng tái tạo; sử dụng vật liệu thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, ngăn chặn dòng vốn FDI có công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trong 2 khía cạnh trên, nhìn chung Việt Nam đạt được nhiều kết quả. Hệ thống chính sách vĩ mô khá toàn diện về phát triển xanh, bền vững được đưa vào Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã thể chế hóa nhiệm vụ thu hút FDI thế hệ mới, ký kết nhiều hiệp định thương mại, đầu tư tân tiến. Vài năm trở lại đây, Việt Nam nổi lên thành trung tâm năng lượng “sạch”, bùng nổ dự án điện gió, mặt trời được thực hiện bởi các doanh nghiệp FDI.

Nhiều doanh nghiệp FDI, bao gồm cả các doanh nghiệp Đức, đã tích cực tham gia vào hoạt động tối ưu hóa sản xuất năng lượng xanh, phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng và bền vững. Những dự án tiềm năng này góp phần thay đổi lĩnh vực năng lượng của Việt Nam.

Ông Alexander Ziehe, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA), khẳng định: “Cam kết của chúng tôi với phát triển năng lượng xanh là không thay đổi. Các dự án đầu tư bền vững chính là chìa khóa tăng trưởng kinh tế dài hạn và bảo vệ môi trường. Thông qua hợp tác chặt chẽ với các đối tác địa phương và quốc tế, chúng tôi mong muốn tạo ra một tương lai xanh và thịnh vượng hơn cho Việt Nam.”

Tuy nhiên, “FDI xanh” nhắm đến các nước phát triển chiếm khoảng 60% trên toàn cầu; hơn 30% đi vào các nước đang phát triển. Lý do là chênh lệch trình độ phát triển kéo theo mức độ hoàn thiện về mặt pháp lý không giống nhau; các yếu tố về văn hóa sản xuất, tiêu dùng, ứng xử với môi trường,… đang là rào cản tại các nước đang phát triển. Do đó, các nước đang phát triển phải cạnh tranh với các nước giàu trong thu hút “FDI xanh” thông qua các lợi thế phụ, như được định hình vị trí trong chuỗi cung ứng mới, có quan hệ ngoại giao thân thiện, môi trường an ninh trật tự ổn định…n

Trương Khắc Trà