Cơ chế đồng bộ để phát triển hệ sinh thái hydro sạch
Để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái hydro sạch, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực này.
Theo tính toán của tổ chức BCG, đến năm 2050, nhu cầu nội địa cho khí hydro (hydrogen) sạch đạt khoảng 25-40 triệu tấn. Trong bối cảnh nội địa hóa hoàn toàn, hệ sinh thái hydro sạch có tiềm năng tạo ra các lợi ích kinh tế xã hội đáng kể, đóng góp thêm 40-45 tỷ USD vào GDP và tạo ra khoảng 40-50 nghìn việc làm từ sản xuất, vận chuyển và phân phối hydro sạch.
Việc phát triển hệ sinh thái hydro sạch không chỉ đem lại lợi ích cho thị trường nội địa, mà còn tiềm năng xuất khẩu đến các nước phát triển trên thế giới. Theo nhiều dự báo về nhu cầu hydro toàn cầu, nhu cầu ước tính nằm trong khoảng từ 500-700 triệu tấn hydro sạch hàng năm vào năm 2050, khiến hydro sạch toàn cầu trở thành thị trường trị giá 1-2,5 nghìn tỷ USD.
Để tận dụng cơ hội to lớn này, các Chính phủ và khu vực tư nhân trên khắp thế giới đã và đang có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển và triển khai hydro sạch. Theo đó, hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới đã thiết lập chiến lược và lộ trình quốc gia cho hydro sạch.
Đơn cử như, Nhật Bản đặt mục tiêu sản xuất khoảng 30 triệu tấn hydro mỗi năm vào năm 2050 và trang bị cho 40% doanh số bán xe mới bằng công nghệ pin nhiên liệu hydro sạch. Một số thỏa thuận song phương và đa phương giữa các quốc gia đã được thiết lập như khuôn khổ hợp tác giữa New Zealand và Singapore về hợp tác trong tương lai để cùng nghiên cứu, phát triển và thí điểm vào năm 2021, hay thỏa thuận của Đức về việc nhập khẩu hydro xanh lá từ Canada vào năm 2022.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có cơ hội lớn để phát triển công nghiệp hydro sạch, có tiềm năng xuất khẩu đến các nước phát triển. Để hiện thực hóa cơ hội mới này, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần sớm thông qua các cơ chế, chính sách thích hợp để xây dựng cơ sở hạ tầng và chuỗi giá trị liên quan đến hydro sạch.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, với nhu cầu to lớn và định hướng phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam, sản xuất hydro sạch là một lĩnh vực cần được chú trọng đẩy mạnh trong giai đoạn sắp tới để phát triển hệ sinh thái sản xuất, vận chuyển và sử dụng trong các ngành, lĩnh vực.
Theo chuyên gia này, để lộ trình phát triển hệ sinh thái hydro sạch được triển khai toàn diện và hiệu quả, những hành động dứt khoát, kịp thời từ Chính phủ cần được triển khai. Theo đó, cần phát triển khuôn khổ pháp lý và chính sách hỗ trợ cho hydro xanh qua các tiêu chuẩn cụ thể cho hydro xanh lam và xanh lá trong hệ thống phân loại xanh; giảm thuế, phí và hỗ trợ vay ưu đãi đối với sản xuất hydro xanh.
“Ngoài ra, hydro xanh cần được lồng ghép vào chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực (Quy hoạch điện quốc gia, chiến lược phát triển ngành thép, hóa chất) và trợ giá cho các sản phẩm hydro xanh. Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế đi đầu trong lĩnh vực đóng vai trò quan trọng nhằm phát triển công nghệ cho các dự án thí điểm sản xuất hydro xanh và thúc đẩy đầu tư cho các dự án tiềm năng”, TS Hà Huy Ngọc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hydro xanh là năng lượng của tương lai. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách cởi mở và hành lang pháp lý sẽ giúp quá trình thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này dễ dàng.
“Cần xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các dự án phát điện hydrogen có thể cạnh tranh được với nguồn khác trong hệ thống. Đồng thời, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về phát điện hydro để triển khai thực hiện kế hoạch liên quan đến Chiến lược phát triển hydrogen”, ông Hải đề nghị.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở Quy hoạch năng lượng quốc gia và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang khẩn trương triển khai xây dựng Chiến lược sản xuất năng lượng hydrogen giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Chiến lược năng lượng hydrogen sẽ bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái năng lượng hydro sạch với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dựa trên năng lượng tái tạo, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo lộ trình, các cam kết của Việt Nam.