Doanh nghiệp

Tôm Việt vào EU: Cần quan tâm phúc lợi động vật

Thy Hằng 17/08/2024 02:34

Xuất khẩu tôm vào EU đòi hỏi tôm nuôi đạt chuẩn an toàn, có giải pháp giảm phát thải, truy xuất nguồn gốc tận gốc và đòi hỏi phúc lợi động vật.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tính tới 15/7/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 241 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

0048_17-1623984995-minh-phu-ts.jpg
Tính tới 15/7/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 241 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ.

Trong đó, Đức, Hà Lan, Bỉ là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối. Cụ thể, xuất khẩu sang Hà Lan và Bỉ tăng trưởng 2 con số lần lượt 19% và 21%. Ngoài ra, mặt hàng này Việt Nam sang Đức tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU bắt đầu ghi nhận tăng trưởng 2 con số từ tháng 4 và duy trì mức tăng trưởng ổn định trong 2 tháng 5 và 6.

Dù vậy nhưng xuất khẩu tôm sang EU vẫn chịu tác động từ xung đột địa chính trị, biến động kinh tế, chính trị thế giới, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm, vật giá tăng.

Bên cạnh đó, trên thị trường EU, sản phẩm này của Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với Ecuador - có lợi thế tôm giá rẻ, đáp ứng xu thế người tiêu dùng EU và có chi phí vận chuyển thấp hơn.

Các chuyên gia VASEP phân tích, thị trường EU đòi hỏi tôm nuôi đạt chuẩn an toàn, đòi hỏi bên cung ứng có giải pháp giảm phát thải (nuôi, chế biến), đòi hỏi truy xuất nguồn gốc tận gốc, đòi hỏi phúc lợi động vật.

Được biết, hiện đối thủ lớn của tôm Việt Nam tại EU là Ecuador đang tập trung đầu tư cho phúc lợi tôm để nâng cao sức cạnh tranh và duy trì tăng trưởng liên tục. Ecuador hiện cũng vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường EU.

Cường quốc sản xuất tôm trên toàn thế giới này khẳng định, phúc lợi động vật là cần thiết hơn bao giờ hết để đảm bảo nước này có thể duy trì vị thế. “Ecuador tự hào có tổng diện tích nuôi tôm là 219.656 ha, với các ao riêng lẻ có diện tích từ 5 đến 25 ha. Quy mô lớn của các trang trại gây khó khăn cho việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt, nhưng các biện pháp phúc lợi như đo lượng nước thải được thực hiện tại mỗi trang trại hai lần một năm. Chính quyền Ecuador đã thiết lập 15 trạm để giám sát chất lượng nước ở Vịnh Guayaquil và dự kiến sẽ đưa ra khuyến nghị cải thiện vào cuối năm 2025”, bà Yahira Piedrahita, Giám đốc Phòng Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Ecuador (CNA) nhấn mạnh.

Như vậy, nếu không chú ý tới nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn trong nuôi và chế biến cũng như tập trung đầu tư cho phúc lợi tôm, sản phẩm tôm Việt khó có thể đảm bảo sức cạnh tranh tại thị trường EU.

ao0tom_1710128316.jpg
5 tiêu chí đảm bảo phúc lợi động vật: Không bị đói, khát; Không bị khó chịu cả về thể chất và tinh thần; Không bị đau đớn, thương tật và bệnh tật; Không bị sợ hãi và lo lắng; Tự do thể hiện các hành vi bản năng.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hạ Thúy Hạnh cho biết, phúc lợi động vật có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với con vật mà cả đối với con người, xã hội và môi trường. Chăn nuôi công nghiệp “hiện đại” đang được chuyển hướng sang chăn nuôi văn minh, trong đó ngoài lợi ích kinh tế của người chăn nuôi còn nhấn mạnh đến lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và phúc lợi vật nuôi.

“Ngành chăn nuôi muốn phát triển hơn nữa và hội nhập được với thế giới nhất thiết phải đưa phúc lợi động vật vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu cũng như áp dụng trong thực tiễn sản xuất và xã hội, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và đạt yêu cầu xuất khẩu”, bà Hạnh nói.

Bên cạnh thách thức, một tín hiệu tích cực được VASEP dự kiến là nhu cầu nhập khẩu của EU từ tháng 7 đến hết năm 2024 sẽ tiếp tục tăng do nền kinh tế EU có xu hướng ổn định, lạm phát tiếp tục giảm.

Các mặt hàng tôm truyền thống của Việt Nam sang EU sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh với các nguồn cung đối thủ, riêng các sản phẩm GTGT sẽ tăng tốt hơn so với những năm trước vì tồn kho đã giảm nhiều.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, doanh nghiệp muốn xuất khẩu tôm vào thị trường EU thì phải tăng cường các thế mạnh như: sản phẩm hữu cơ, bền vững, giá trị gia tăng, có biện pháp bán hàng và thanh toán phù hợp. Cũng như, tận dụng triệt để các lợi thế từ Hiệp định EVFTA để nâng sức cạnh tranh”.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp cần phải linh động với hình thức xuất khẩu, lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp; cập nhật các chính sách nhập khẩu của các quốc gia nhằm để tận dụng tốt những cơ hội đang có nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường lớn.

Về phía địa phương, bên cạnh việc sắp xếp, chấn chỉnh lại hệ thống nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn, cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng thêm các kho chứa hàng có quy mô lớn và kỹ thuật bảo quản hiện đại. Có như vậy thì các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản mới có thể thâm nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào các thị trường nhập khẩu lớn, thị trường khó tính yêu cầu hàng hóa chất lượng cao… góp phần hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Thy Hằng