Đắk Lắk: Cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Đặt mục tiêu cao nhất là sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân, các sở, ngành tại Đắk Lắk đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các đơn vị yên tâm hoạt động, đầu tư tại địa phương.
Thông tin trong khuôn khổ Hội thảo cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024 và những năm tiếp theo của tỉnh Đắk Lắk, ông Võ Ngọc Tuyên – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Đắk Lắk thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều thách thức, tồn tại trong cải thiện PCI của địa phương. Bên cạnh những thách thức, ông Tuyên cũng khẳng định địa phương cũng có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, có diện tích rộng, dân số đông, vị trí địa lý thuận lợi,... và nhiều tiềm năng lớn để trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên.
Theo ông Tuyên, thời gian qua, lượng doanh nghiệp tại địa phương có tín hiệu gia tang. Cùng với đó, Đắk Lắk cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ Trung ương trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, Đắk Lắk cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm đến việc triển khai cao tốc Bắc - Nam phía Tây
“Có thể thấy, Đắk Lắk có nhiều lợi thế cạnh tranh vượt trội. chính quyền địa phương luôn quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp và lắng nghe doanh nghiệp để phát hiện bất cập khiến doanh nghiệp chưa hài lòng. Đặc biệt, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư luôn hoạt động theo phương châm quyết liệt, khác biệt, không ai phàn nàn về công việc và cam kết rằng không để tồn đọng các việc cần làm”, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk khẳng định.
Tuy nhiên, vì đang trong giai đoạn còn nhiều thách thức từ các yếu tố khác nhau, ông Tuyên cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn cũng cần chia sẻ với chính quyền địa phương.Trong thời gian qua, Đắk Lắk đã thận trọng trong việc giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính,... để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Cùng thông tin, ông Phạm Phú Lộc – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk cho rằng theo số liệu PCI năm 2023, gần một nửa số doanh nghiệp được khảo sát điều tra tại Đắk Lắk cho rằng doanh nghiệp đang phải chịu áp lực từ các chi phí không chính thức để có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình.
Cụ thể, có 47% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức, 64% doanh nghiệp cho biết công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả chi phí không chính thức, 70% doanh nghiệp phản ánh hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính là phổ biến. Ngoài ra, có 46% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra thuế và 46% đồng ý chi trả "hoa hồng" là cần thiết để có cơ hội thắng thầu.
“Sự hiện hữu của chi phí không chính thức là rào cản lớn trong hoạt động cải cách hành chính, cũng là trở ngại trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo sự mất công bằng trong hoạt động kinh doanh. Chi phí không chính thức đã làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, gây ra sự bất bình đẳng, gây tổn hại đến niềm tin vào hệ thống pháp luật”, ông Lộc nhận định.
Để cải thiện chỉ số “Chi phí không chính thức” nói riêng và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nói chung, ông Lộc cho hay nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, gắn trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), giảm tối đa chi phí thời gian, không để người dân, doanh nghiệp phải bỏ chi phí không chính thức khi đến giải quyết TTHC.
Song song là thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để tiếp thu ý kiến, kiến nghị, phản ánh và giải quyết kịp thời cho doanh nghiêp. Chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.
Tương tự, ông Trần Văn Sỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đắk Lắk cho hay sở đã chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các vấn đề tại địa phương để tháo gỡ các nút thắt, rào cản, góp phần thúc đẩy nguồn vốn đầu tư tại tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như gia hạn nộp tiền sử dụng đất. Đồng thời, ban hành các quy chế phối hợp trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng và các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhằm tháo gỡ các khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục để tiếp cận đất đai, thông tin, dữ liệu có liên quan, bảo đảm các quyền lợi và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó là thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Thời gian tới, ông Sỹ cho hay sở sẽ tham mưu UBND tỉnh công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh. Hoàn thành các dự án xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; Hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai thành phố Buôn Ma Thuột; Xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai tại các huyện Cư Kuin, thị xã Buôn Hồ,...
“Rà soát bảng giá đất, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể năm 2024. Kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB, đặc biệt là các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ UBND tỉnh giao thực hiện dự án đầu tư công trọng điểm, dự án thu hút đầu tư thuộc Ban Chỉ đạo 321-Tỉnh ủy, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột,... Tăng cường kết nối điện tử liên thông trong giải quyết TTHC về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp,...”, ông Sỹ nói về các giải pháp.
Về phía “tư lệnh ngành” KH&ĐT, ông Võ Ngọc Tuyên khẳng định luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp. Đầu tiên là với tinh thần khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp.
“Những khó khăn, vướng mắc nào giải quyết được ngay thì giải quyết ngay; những vấn đề chưa giải quyết được ngay thì phải khẩn trương nghiên cứu, đưa ra phương hướng, giải pháp với lộ trình cụ thể để xử lý kịp thời, hiệu quả”, ông Tuyên nhấn mạnh
Thứ hai, tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương và của tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Thứ ba, nâng cao trách nhiệm, vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu về thực hiện chủ trương Chính quyền kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thứ tư, tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để thông tin kịp thời các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về đầu tư, kinh doanh; kịp thời tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư, triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Thứ năm, triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong khuôn khổ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ.
Thứ sáu, rà soát, đối chiếu kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các Sở, ngành, địa phương và chủ động phối hợp với cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên, kiểm toán nhà nước để xử lý dứt điểm tình trạng doanh nghiệp phải chấp hành nhiều hơn 01 cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm. Tăng cường tính minh bạch, giảm chi phí không chính thức, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp.
Thứ bảy, kịp thời tôn vinh, khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, có hoạt động sản xuất kinh doanh nổi bật, chấp hành tốt các quy định của pháp luật và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ tám, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, các Hội ngành nghề, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước nhằm đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do; thực hiện hiệu quả hoạt động hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng mối liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh.
Thứ chín, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn cần tập trung nghiên cứu, tận dụng những thế mạnh của địa phương để đầu tư, sản xuất kinh doanh; đồng thời mạnh dạn đề xuất với UBND tỉnh những giải pháp hỗ trợ thiết thực với doanh nghiệp; cùng với chính quyền địa phương và các sở ngành chung tay xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.