ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ CHO DOANH NGHIỆP: Tạo thế chủ động điện năng cho doanh nghiệp
Đó là chia sẻ của ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tại Diễn đàn: “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Giải pháp chuyển dịch và tiết kiệm năng lượng”.
Chiều ngày 16/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP.HCM và Viện Nghiên cứu Ứng dụng Năng lượng thông minh (iSEAR) tổ chức Diễn đàn: “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Giải pháp chuyển dịch và tiết kiệm năng lượng”.
Tham dự Diễn đàn có ông Võ Tân Thành– Phó Chủ tịch VCCI; Ông Tạ Huy Hoàng – Trưởng văn phòng Đại diện Bộ Xây dựng tại phía Nam; Ông Phạm Thanh Trực – Phó Trưởng ban Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA); Ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc VCCI HCM; Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam; Trung tá Phạm Thy Bình – Phó Đội trưởng phòng cháy Phòng cảnh sát PCCC & CNCH Công an TP.HCM; Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – thuộc trường Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Cao Anh Tuấn – Chuyên gia về Năng lượng tái tạo; Ông Nguyễn Hữu Khoa – Đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; TS. Trần Huỳnh Ngọc -Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển - PECC2 (thuộc EVN); Ông Hoàng Đình Lân – Phó Ban Kinh doanh Tổng Công ty Điện lực miền Nam; Ông Lê Hồng Khanh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương.
Về phía Ban tổ chức có sự tham dự của Nhà báo Phạm Hùng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Trưởng văn phòng phía Nam; Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Phan Công Tiến - Giám đốc Viện nghiên cứu ứng dụng năng lượng thông minh (ISEAR).
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, hiện nay, Việt Nam đang có 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, qua đó đa dạng hóa chiến lược thị trường tổng thể. Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam dự kiến xuất khẩu 44 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo ông Giang, để đạt con số này, thách thức rất lớn đối với ngành dệt may Việt Nam. Thách thức thứ nhất là liên quan đến các quy chuẩn hóa nhập khẩu, đặc biệt là châu Âu và Mỹ đã đưa ra những tiêu chuẩn kép đó là các yêu cầu xanh hóa.
Thứ hai là tiêu chuẩn liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm tái chế, các sản phẩm thân thiện môi trường. Đây là yếu tố bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện.
Thứ ba, hiện nay, các nhãn hàng hàng đầu thế giới yêu cầu phải chấp thuận là phải loại trừ tất cả các nồi hơi bằng than đá vật liệu thải khí không tốt ra môi trường. Do đó, phải chuyển sang nồi hơi điện và đây là điều bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ.
“Như vậy, chi phí sản xuất cho một sản phẩm, nếu dùng điện và áp theo giá nhà nước thì tăng chi phí so với đốt than từ 10 - 17%. Trong khi, một thách thức rất lớn nữa là Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050”, ông Vũ Đức Giang chia sẻ.
Thứ tư, thách thức liên quan đến chi phí sản xuất trong một sản phẩm. Nếu dùng nồi hơi điện bằng điện của Nhà nước thì sẽ tăng chi phí lên từ 15 - 20%. Nhưng nếu có điện từ năng lượng mặt trời áp mái thì sẽ giải quyết được vấn đề này.
Ông Vũ Đức Giang cũng cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sau khi được Đảng và Chính phủ tạo điều kiện, những doanh nghiệp nào đầu tư ngay giai đoạn đầu thì rất hiệu quả. Với tỉ lệ 50% dùng điện áp mái của doanh nghiệp, 50% dùng của Nhà nước. Các chứng chỉ chỉ số xanh chứng minh cho các nhãn hàng. Nhãn hàng kiểm tra và thấy thì đó là điểm cộng.
“Có thể nói, điện mặt trời mái nhà đã tạo ra được thế chủ động điện năng cho doanh nghiệp. Đặc biệt, ở các tỉnh phía Nam thời tiết nắng chiếm 60%, trong khi miền Bắc, miền Trung thì thấp hơn chỉ tương đương khoảng 30%”, ông Giang đánh giá.
Đồng thời, ông cũng cho rằng, sau khi đầu tư, các chỉ số liên quan đến phần tiết kiệm năng lượng, xử lý nguồn nước, đó cũng là một trong những yếu tố tác động đến chứng chỉ xanh. Các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe, trong khi chứng chỉ xanh phải do các cơ quan có uy tín cấp.
Từ đó, ông Vũ Đức Giang kiến nghị, thứ nhất, để cấp chứng chỉ cho môi trường xanh cần có tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ xanh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây là đòi hỏi của tất cả các nhà nhập khẩu, nên ngành điện và một số ngành có tính then chốt rất cần các tổ chức cấp chứng chỉ uy tín của Việt Nam.
Thứ hai, điều kiện để giữ ổn định cho điện mặt trời áp mái thì cơ quan nào chứng nhận cho công ty đến lắp để đảm bảo an toàn. Cơ quan nào hướng dẫn cấp phép, kiểm soát điều đó? Bởi hiện nay, lắp điện áp mái rất dễ, nhưng kiểm soát các sự cố thì cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Thứ ba, tạo điều kiện cho điện áp mái cần phải có một chiến lược xuyên suốt. Để Quy hoạch điện VIII đi vào cuộc sống của doanh nghiệp, và mang lại hiệu quả về kinh tế thì cần phải có một mục tiêu xuyên suốt, và quy hoạch xuyên suốt để tạo ra tính bền vững cho lĩnh vực này
Thứ tư, công tác truyền thông cho lĩnh vực này cũng rất cần thiết. Tại Bangladesh, toàn ngành dệt may có 4.200 doanh nghiệp, nhưng chỉ có 200 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ xanh, nhưng họ làm truyền thông quá tốt. Do đó, công tác truyền thông là rất quan trọng.