Khó khăn và hi vọng của T-CLEAN
Thương hiệu tẩy rửa đa năng T-CLEAN xuất hiện trên Shark Tank mùa 7 và gọi được 3 tỷ cho 18% cổ phần với “Shark” Thái.
Tuy gặp khó khăn khi chi phí sản xuất chiếm tỷ trọng lớn và chưa mạnh mảng tiếp thị, T-Clean vẫn có những thế mạnh của riêng họ.
Sản phẩm thú vị
Đứng sau thương hiệu T-CLEAN là Tiến sĩ Vũ Thị Tần, một người từng giành được học bổng Tiến sĩ do chính phủ Tây Ban Nha tài trợ và làm việc tại tập đoàn thép hàng đầu thế giới ArcelorMittal. Mặc dù sở hữu sự nghiệp ấn tượng nơi xứ người, cô vẫn quyết định về Việt Nam lập nghiệp. Từ đó đến nay, cô nghiên cứu và cho ra mắt rất nhiều sản phẩm “made in Việt Nam”, trong đó nổi bật là thương hiệu tẩy rửa đa năng công nghệ mới T-CLEAN.
T-CLEAN sở hữu 13 sản phẩm, gồm chai tẩy gương, tẩy bồn cầu, bột làm sạch quần áo, dầu mỡ, xoong nồi, thông cống, v.v.. Theo chia sẻ từ Tiến sĩ Vũ Thị Tần, điểm đặc biệt của T-CLEAN là chiết xuất từ những nguyên liệu như dừa, cọ, thông, v.v. nên đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người dùng và thân thiện với môi trường.
Về khả năng tẩy rửa, cô tự tin chất lượng sản phẩm T-CLEAN vượt trội các sản phẩm nhập khẩu hiện có trên thị trường mặc dù giá rẻ hơn từ 10% đến 30%. Mức độ hài lòng của khách hàng khá cao, đạt 4.9/5 sao trên các sàn TMĐT. Tỷ lệ mua lại đạt trên 30%.
Về chiến lược phát triển trong tương lai, họ dự kiến làm thêm bao bì cỡ lớn và bao bì refill để giảm chi phí chai lọ, tem nhãn và hạn chế rác thải ra môi trường, cũng như sản xuất thêm sản phẩm mới để đa dạng mặt hàng và tăng lợi thế cạnh tranh.
Bài toán tiếp thị
Trước những “cá mập” nhiều năm kinh nghiệm chinh chiến kinh doanh, anh Trần Đình Kiên, nhà đồng sáng lập thương hiệu T-CLEAN, không ngần ngại chia sẻ rằng mặc dù mạnh mảng nghiên cứu và phát triển (R&D), nhưng mảng truyền thông, tiếp thị, bán hàng của T-CLEAN lại chưa mạnh.
Họ kêu gọi đầu tư 3 tỷ đồng cho 10% cổ phần và chia sẻ rằng phần vốn này sẽ được dùng để mở rộng sản xuất và kênh phân phối với mục tiêu tăng trưởng từ 100-300% trong 3 năm tới.
Tuy thích thú với sản phẩm của T-CLEAN, song các vị “cá mập” cũng rất tỉnh táo chỉ ra những điểm thiếu hụt của nhãn hàng này. Thứ nhất là nằm ở quy trình tiếp thị, làm thương hiệu. Thứ hai là chi phí sản xuất khá cao, chiếm đến 40%, trong khi tại các nước công nghiệp phát triển, tỷ lệ này không vượt quá 20%.
Đây đều là những điểm yếu chí tử của một sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG), trong đó có thể loại chất tẩy rửa như T-CLEAN. Trong thế giới hàng tiêu dùng nhanh thì tiếp thị, chứ không phải sản phẩm, mới là yếu tố quyết định thắng thua. Điều này được chứng minh bằng các số liệu thống kê cho thấy, các công ty hàng tiêu dùng nhanh trung bình chi ra đến tận 23% ngân sách để dành cho các chiến dịch tiếp thị, quảng cáo, làm thương hiệu. Con số này cao hơn mọi ngành hàng phổ thông khác.
Các công ty lớn không ngần ngại bỏ ra hàng trăm triệu đô đầu tư vào mảng tiếp thị. Chẳng hạn Unilever chi đến gần 300 triệu USD quảng cáo cho nhãn hàng Dove, cũng là một sản phẩm tẩy rửa. Hoặc khi nhìn vào mạng internet, các thương hiệu FMCG dành đến 39,5 tỷ USD để quảng cáo kỹ thuật số trong năm 2023 và dự kiến tăng thêm 12,9% trong năm 2024.
Cũng là một sản phẩm tiêu dùng nhanh, lại đặt mục tiêu mở rộng lớn (như công bố là từ 100-300%), T-CLEAN chắc chắn không được nằm ngoài cuộc đua tiếp thị, quảng cáo, làm thương hiệu. Thế nhưng hiện tại chi phí sản xuất của họ đã chiếm 40%. Nếu dành trung bình thêm 20% để đẩy quảng cáo, đây sẽ là bài toán kinh doanh cực kỳ khó cho T-CLEAN. Phần này dường như sẽ phải trông chờ rất nhiều vào tiền vốn và kinh nghiệm của các “cá mập” đầu tư.
Trào lưu mới
Tuy nhiên vẫn có điểm sáng trên con đường phía trước của T-CLEAN. Ngoài mạnh mảng R&D, họ có thể được xếp vào thể loại là nhãn hàng độc lập (private label, indie). Các nhãn độc lập đang có xu hướng rất được ưa chuộng hiện nay.
Giới trẻ đang có tâm lý sử dụng các sản phẩm độc lập vì “chán” các thương hiệu lớn, thích tìm sự độc đáo ở trong các sản phẩm độc lập. Thêm vào đó, giá cả dễ chịu hơn cũng là một trong những động lực khiến các sản phẩm độc lập trở nên phổ biến. Thời đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng bị gián đoạn khiến hàng hóa khan hiếm, nhiều khách hàng đã dùng thử các sản phẩm thương hiệu độc lập. Khi đã thích thì đến 80% họ sẽ chuyển sang sử dụng luôn.
Là một nhãn hàng độc lập, T-CLEAN cũng có sự độc đáo riêng, câu chuyện riêng, lại còn phù hợp với xu hướng xanh, bảo vệ môi trường hiện nay. Vậy nên đây có thể sẽ là những điểm tựa để T-CLEAN hy vọng cho chặng đường phát triển trong tương lai.