Gỡ khó cho ngành công nghiệp hóa chất
Ngành công nghiệp hóa chất đang đối diện với nhiều thách thức. Nhiều nơi có chủ trương không tiếp nhận dự án. Đây là một “điểm nghẽn” không thể phát triển.
Địa phương “e dè” ngành nguy hiểm!
Theo đó, chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam của Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2040, công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển với đa số các phân ngành có công nghệ tiên tiến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cần, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả...
Số liệu thống kê cho thấy, tổng sản lượng công nghiệp hóa chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10 - 11% tổng giá trị ngành công nghiệp, lực lượng lao động chiếm gần 10% và có năng suất lao động cao 1,36 lần năng suất lao động trung bình của toàn ngành công nghiệp. Theo tính toán, sau khi các dự án đang triển khai hoàn thành và hoạt động ổn định, giá trị tổng sản lượng ngành công nghiệp hóa chất chiếm tỷ trọng từ 13 - 14% toàn ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), thời gian qua một số địa phương quan niệm và nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển công nghiệp hóa chất chưa đầy đủ, lo ngại nguy cơ ô nhiễm và nguy hiểm, dẫn đến các chủ trương phát triển của nhiều địa phương là không thu hút đầu tư công nghiệp hóa chất. Thậm chí, cương quyết nói không với các lĩnh vực sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô; chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su chưa sơ chế…
Thêm nữa, hiện nay nhiều địa phương xem hóa chất là ngành nguy hiểm, có chủ trương không tiếp nhận các dự án hóa chất. Đây được coi là điểm nghẽn của phát triển công nghiệp hóa chất. Theo đó đã có những dự án được địa phương tiếp nhận, đầu tư xây dựng bước đầu, nhưng sau đó lại phải dừng lại vì địa phương đánh giá thấy nguy cơ đến môi trường. Cụ thể, phía địa phương đã chủ động đề nghị doanh nghiệp không đầu tiếp tục đầu tư nữa.
Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Xút và các thương phẩm khác tại khu công nghiệp Việt Hưng (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) do Công ty Tân Tiến đầu tư. Được biết, dự án đã được Ban quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận đầu tư ở thành phố Hạ Long và phía nhà đầu tư đã san lấp mặt bằng, ép cọc. Thế nhưng sau một số những sự cố hóa chất diễn ra tại các cơ sở khác, thì địa phương mới nhìn nhận lại và đề nghị không tiếp tục đầu tư dự án.
Cần các khu công nghiệp hoá chất tập trung
Hiện nay, Việt Nam đã bước đầu hình thành một số Tổ hợp công nghiệp hóa dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Long Sơn, Hyosung (Bà Rịa – Vũng Tàu); một số khu, cụm công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp hóa chất như: Khu Hóa chất hóa dầu Đình Vũ (Hải Phòng), Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (Bà Rịa – Vũng Tàu), khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai)...
Lãnh đạo Cục Hóa chất cho biết, việc hình thành các khu công nghiệp hóa chất tập trung sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo động lực cho phát triển công nghiệp hóa chất, hứa hẹn đem lại diện mạo mới cho ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam về một ngành công nghiệp xanh và hiện đại.
Hiện nay, bước đầu đã có 5 địa phương là Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận và Bình Thuận rất ủng hộ và chủ trương thu hút xây dựng các khu công nghiệp hóa chất tập trung tại địa phương.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất xây dựng khung khổ pháp luật, xây dựng các chính sách hỗ trợ đủ mạnh làm tiền đề cho ngành công nghiệp hóa chất phát triển thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại.
Xây dựng chiến lược phù hợp theo hướng xanh
Trước những khó khăn hiện tại, một số ý kiến cho rằng, ngành công nghiệp hóa chất cần phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn. Bởi thực tế, có rất nhiều nước đang theo đuổi và đã luật hóa các quy định liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp hóa chất là ngành sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên (quặng apatit, than đá, dầu mỏ…), đồng thời cũng là ngành phát sinh ra nhiều chất thải nguy hại. Nhiều sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất hiện nay chưa được sử dụng hiệu quả hoặc chưa được xử lý triệt để.
Tuy nhiên, việc phát công nghiệp hoá chất theo mô hình của kinh tế tuần hoàn hiện vẫn còn nhiều rào cản và cần sự chung tay của các Bộ, ngành để có cơ chế khuyến khích kịp thời. Cụ thể vẫn còn nhiều rào cản về công nghệ, vốn, cơ chế, chính sách. Hiện ngành hóa chất trong nước ngày càng phải thích ứng, đổi mới công nghệ để đáp ứng những yêu cầu của quốc tế trong nền kinh tế tuần hoàn.
Nhưng để đổi mới công nghệ đòi hỏi tiềm lực tài chính. Trong khi đó, ngành hóa chất của Việt Nam vẫn còn nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ với số vốn khiêm tốn. Việc phát triển ngành đặc thù này đòi hỏi thời gian dài, vốn đầu tư lớn, trong khi thu hồi vốn chậm... và cần có một cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp khuyến khích đầu tư.
Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hóa chất, TS Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện Bộ đang xây dựng dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ về dự án xanh, chuyển đổi xanh... Trong thời gian tới, sẽ có những cơ chế tài chính riêng của Nhà nước hỗ trợ cho những dự án xanh, thương mại xanh để góp phần khuyến khích nền kinh tế tuần hoàn.
Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, ban hành và “luật hóa” hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho việc sử dụng, tái chế chất thải trong ngành hóa chất. Từ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn này, các đơn vị mới có cơ sở để có thể phát triển và thương mại hóa được các sản phẩm tái chế.
Các chuyên gia cũng nhận định, phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng tuần hoàn, bền vững là một xu hướng tất yếu. Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất cần xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp; ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng xanh, thân thiện với môi trường. Bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cũng cần có những hỗ trợ ưu đãi về tài chính, tìm đầu ra cho các sản phẩm được tái chế cho các doanh nghiệp
Theo Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) thời gian tới việc sửa đổi Luật Hoá chất sẽ giúp hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hoạt động hóa chất hướng tới tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo vệ con người, môi trường trước những tác động nguy hại của hóa chất; thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng của thế giới về kinh tế tuần hoàn, hóa học xanh.