Bình luận

Sửa Luật số 69/2014: Cần xác định rõ đối tượng áp dụng

Gia Nguyễn 18/08/2024 04:00

Để tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, góp ý Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều ý kiến đề xuất, cần xác định rõ đối tượng áp dụng…

Như đã thông tin, sau 10 năm thi hành, bên cạnh những mặt tích cực, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) đã bộc lộ những bất cập, hạn chế trong áp dụng vào thực tiễn. Việc sửa đổi luật được cho là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

sua-luat-so-69-ve-quan-ly-von-nha-nuoc-24.4.1.2.jpg
Nhằm hoàn thiện các hạn chế, tồn tại trong thực tế, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã được Bộ Tài chính xây dựng thiết kế theo 6 nhóm chính sách, gồm 09 Chương và 92 Điều - Ảnh minh họa: ITN

Theo đó, nhằm hoàn thiện các hạn chế, tồn tại trong thực tế, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã được Bộ Tài chính xây dựng thiết kế theo 6 nhóm chính sách, gồm 09 Chương và 92 Điều. Luật này quy định việc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp và cơ cấu lại vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đáng nói, tại Dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ theo hướng xác định đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư, bao gồm: doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp và “doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp” thay cho quy định về đối tượng “doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ”…

Xoay quanh vấn đề đã nêu, mặc dù đánh giá sự cần thiết phải xây dựng luật để thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng liên quan đến vai trò, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, về đối tượng áp dụng, cần có sự xác định rõ ràng hơn.

sua-luat-so-69-ve-quan-ly-von-nha-nuoc-24.4.1.1.jpg
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, về đối tượng áp dụng, cần có sự xác định rõ ràng hơn - Ảnh minh họa: ITN

Theo đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, việc sửa đổi luật sẽ giúp hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, một vấn đề còn gây băn khoăn cho các doanh nghiệp là liên quan đến quy định về đối tượng điều chỉnh, bởi hiện Dự thảo Luật (sửa đổi) đang dự kiến điều chỉnh cả đối tượng là doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư khác (là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp) và quy định cả chính sách về “quản trị doanh nghiệp”.

Do đó, để góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật (sửa đổi), đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát thuyết minh làm rõ đối tượng và chính sách nêu trên để đảm bảo mục đích của việc xây dựng luật, phù hợp với các chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ...

Đồng quan điểm, đại diện Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Chấn Hưng cũng cho rằng, khái niệm về doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp và doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư khác như Dự thảo Luật (sửa đổi) còn mang tính trừu tượng. Về bản chất, doanh nghiệp Nhà nước (quy định tại Khoản 11 Điều 4 và Chương IV của Luật Doanh nghiệp năm 2020) đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác là hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước, không phải là hoạt động đầu tư vốn trực tiếp của Nhà nước vào doanh nghiệp.

Vì vậy, đại diện doanh nghiệp này đề xuất, cần thống nhất về các loại hình doanh nghiệp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, đồng thời cần nghiên cứu và xác định rõ đối tượng áp dụng để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật hiện hành.

Cùng với vấn đề đã nêu, góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật (sửa đổi), ông Nguyễn Đức Trung - Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo trình bày rõ những quy định tương đồng và khác nhau giữa Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với Luật Doanh nghiệp về cùng một nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm và các vấn đề khác liên quan đến Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty TNHH, Hội đồng Quản trị công ty cổ phần…

“Trường hợp có sự khác nhau thì cần có giải trình về cơ sở pháp lý”, ông Trung bày tỏ.

Đồng thời cho rằng, thực tế, quy định như Dự thảo Luật (sửa đổi) tạo sự phân biệt giữa các loại hình doanh nghiệp và chưa đảm bảo quyền và lợi ích của cổ đông ngoài Nhà nước trong doanh nghiệp.

Được biết, theo dự kiến Dự thảo Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025, và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026.

Gia Nguyễn