Giảm thuế thu nhập: Đòn bẩy để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
Việc đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được kỳ vọng không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp mà còn tạo động lực để họ bứt phá.
Hiện, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm khắc phục các bất cập, chồng chéo; đảm bảo ổn định nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần tái cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng bền vững.
Tại Dự thảo, Bộ Tài chính đã bổ sung nhiều nhóm vấn đề quan trọng về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm các quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; bổ sung gần 30 loại “thu nhập khác” được tính là thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; bổ sung thêm các khoản thu nhập của doanh nghiệp nước ngoài phải chịu thuế khi kinh doanh tại Việt Nam; bổ sung một số khoản thu nhập được miễn thuế và các khoản chi được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Dự thảo cũng đã bổ sung các quy định về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ xuống mức 15% -17% thay vì mức 20% như hiện hành. Dự kiến sẽ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế...
Thực tế, từ 1/1/2016 đến nay, thuế suất thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam là 20%, cao hơn so với một số nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Vì vậy, việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cho nhóm doanh nghiệp này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện. Tuy nhiên, họ lại đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính, chi phí sản xuất và sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp lớn.
Trước đề xuất quy định giảm thuế tại Dự thảo, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, chính sách giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với nhóm doanh nghiệp này. Đây sẽ là minh chứng rõ nét về quyết tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Giảm thuế không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để tái đầu tư mà còn mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho rằng, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ có tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến tinh thần khởi nghiệp và sự hào hứng trong kinh doanh. Với tinh thần cải cách lần này, mục tiêu là tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường hỗ trợ quy trình, giúp người dân nhận thấy rõ sự tiện lợi và lợi ích khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.
“Khi các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nền kinh tế sẽ phát triển, và dù thuế suất giảm, đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước vẫn sẽ được cải thiện”, ông Phụng nhận định.
Về phía doanh nghiệp, bà Hoàng Thanh Thủy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nadico bày tỏ sự đồng tình với chính sách này. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là lực lượng chủ lực trong nền kinh tế nước ta nên việc giảm thuế sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích tụ vốn để phát triển với quy mô lớn hơn, qua đó nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước.
“Là một doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng tôi rất kỳ vọng vào chính sách giảm thuế thu nhập. Những năm gần đây, chi phí cho điện, nước, và nguyên vật liệu đều tăng cao, tạo ra áp lực lớn lên doanh nghiệp. Việc được hưởng mức thuế suất thấp hơn sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm đáng kể, từ đó có thể tái đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng thị trường hiệu quả hơn”, bà Thủy chia sẻ.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, chủ trương giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là một bước đi tích cực nhưng chưa đủ. Về lâu dài, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Cần có các chính sách thuế minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được thực hiện liên tục và đồng bộ với nhiều biện pháp khác nhau.
“Chính sách về mặt bằng sản xuất đối với các đơn vị sản xuất - kinh doanh cần được chú trọng hơn, để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và sử dụng mặt bằng phục vụ cho hoạt động sản xuất. Đồng thời hỗ trợ vốn trung hạn để họ thực hiện chuyển đổi số, thực hiện đổi mới. Phải đồng bộ với nhau thì mới phát huy hết ý nghĩa của chính sách thuế để làm sao doanh nghiệp có lời để nộp thuế", ông Tô Hoài Nam chia sẻ.