Doanh nghiệp

Hành vi mua sắm thay đổi đã tác động thế nào đến ngành FMCG?

Hạnh Lê 18/08/2024 02:29

Áp lực kinh tế đã làm thay đổi hành vi mua sắm người tiêu dùng, trong đó ngành FMCG (ngành hàng tiêu dùng) nhanh chịu nhiều tác động.

Đây là một trong những nội dung được bà Lê Minh Trang​ - Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu bán lẻ của NielsenIQ chia sẻ qua một số nghiên cứu, báo cáo liên quan đến những tác động của hành vi tiêu dùng đến nhóm ngành hàng FMCG .

Cụ thể, nghiên cứu về mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do NielsenIQ thực hiện trong giai đoạn tháng 9/2023 và tháng 2/2024 cho thấy, 3 mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng tại Việt Nam là kinh tế suy thoái, tăng giá thực phẩm và sức khoẻ.

anh Ms Trang
Bà Lê Minh Trang​ - Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu bán lẻ của NielsenIQ (ảnh: L.H)

Áp lực kinh tế đã tác động đến việc thay đổi hành vi người tiêu dùng. Báo cáo mới nhất của NielsenIQ tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong quý 2/2024 cho thấy, người tiêu dùng có nhiều cách để tiết kiệm chi tiêu. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là cắt giảm những chi tiêu không cần thiết, bao gồm ăn uống tại các nhà hàng bên ngoài, tối ưu việc nấu ăn tại nhà; ý thức hơn trong việc tránh lãng phí…

Cùng với đó, người tiêu dùng có thêm hành động thực tế để quản lý tài chính hiệu quả. Cụ thể, 73% người tiêu dùng tăng cường mua sắm trực tuyến để có ưu đãi tốt hơn; 53% kiểm soát tổng chi phí chi tiêu; 40% mua sắm hàng hoá giảm giá…

Mặc dù đang thắt chặt chi tiêu như vậy nhưng báo cáo cũng cho thấy, top 6 yếu tố quan trọng quyết định để người tiêu dùng lựa chọn thương hiệu lại đến từ vấn đề sức khoẻ. Người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn thương hiệu sản phẩm thân thiện với môi trường, tốt cho sức khoẻ, phù hợp với xu thế tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang rất thịnh hành.

Theo bà Lê Minh Trang, sự thay đổi hành vi mua sắm của người dân đã tác động đến các ngành FMCG. Ghi nhận trong khoảng 12 tháng gần đây (từ tháng 1/2023 - 3/2024), doanh thu của ngành hàng này trong cả nước tăng trưởng âm (-0,7%).

Sang quý 2 năm nay, khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục, người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm, doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh đã bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Trong 8 nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh, bia và nước giải khát không cồn đóng góp doanh thu lớn về dài hạn. Tuy nhiên, cũng như bức tranh chung của ngành hàng tiêu dùng nhanh, từ quý 1/2023 khi áp dụng Nghị định 100 về tăng mức xử phạt đối với các tài xế sử dụng đồ uống khi tham gia giao thông, toàn ngành hàng bia sụt giảm mạnh.

anh do uong
Hành vi mua sắm của người tiêu dùng đang thay đổi đòi hỏi các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng FMCG cần có sự thích ứng

Sự thay đổi này trực tiếp ảnh hưởng đến sự sụt giảm doanh thu sản của chuỗi nhà hàng, quán ăn liên tục từ tháng 1/2023 đến nay. Ngoài ra, từ hơn 2 năm trở lại đây, NielsenIQ ghi nhận, nhóm các sản phẩm bia có nồng độ cồn thấp đang được người tiêu dùng đón nhận với việc gia tăng hơn 30% sản lượng trong 12 tháng gần đây so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt tại khu vực 6 thành phố lớn và kênh hiện đại Việt Nam. Xu hướng này có khả năng tiếp tục được duy trì và tác động đến ngành bia trong tương lai tới.

Cũng trong 2 năm gần đây, NielsenIQ nhận thấy xu hướng tiêu dùng phân cực liên quan đến phân khúc giá của sản phẩm diễn ra trong ngành bia với sự tăng trưởng ở cả 2 phân khúc khác biệt là bình dân và siêu cao cấp.

Trước bối cảnh có nhiều thay đổi trên, NielsenIQ có 3 khuyến cáo với doanh nghiệp.

Thứ nhất, để người tiêu dùng quyết định lựa chọn sản phẩm, doanh nghiệp cần kết nối giá trị thương hiệu với giá trị sản phẩm để mang lại giá trị tiêu dùng cho khách hàng.

Thứ hai, đảm bảo sự hiện diện với người tiêu dùng. Khi hành vi của người tiêu dùng dịch chuyển linh hoạt giữa các kênh mua sắm (trực tuyến - trực tiếp), đồng nghĩa với việc tăng trưởng đến từ chiến lược cân bằng kênh trực tuyến và trực tiếp.

Thứ ba, dành sự chú ý cho yếu tố sức khoẻ và bền vững, khai thác yếu tố truyền thông và nhấn mạnh thông điệp sản phẩm phù hợp để thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Hạnh Lê