Chiến lược xuất khẩu tiềm năng của Nhật Bản
Nhật Bản xuất khẩu 4,7 nghìn tỷ yên nội dung hằng năm, gần bằng 5,7 nghìn tỷ yên của ngành bán dẫn, 5,1 nghìn tỷ yên của ngành thép.
Xuất khẩu anime (truyện tranh của Nhật) và các nội dung khác của Nhật Bản gần ngang bằng với thép và thiết bị bán dẫn, mở ra cơ hội phát triển một ngành then chốt sẽ thúc đẩy nền kinh tế của đất nước này.
Vận động viên chạy nước rút người Mỹ Noah Lyles đã giành được danh hiệu không chính thức là người hâm mộ anime nhanh nhất thế giới khi anh giành huy chương vàng chạy 100 mét tại Thế vận hội Paris vào ngày 4 tháng 8 vừa qua. Khoác trên mình lá cờ Hoa Kỳ, Lyles đã ăn mừng bằng cách tạo dáng “phóng chưởng Kamedoko” dang rộng lòng bàn tay nổi tiếng trong loạt phim hoạt hình “7 viên ngọc rồng” (Dragon Ball).
Khoảnh khắc này chứng minh tiềm năng của anime và các nội dung khác của Nhật Bản trong việc xóa bỏ thâm hụt thương mại kỹ thuật số của đất nước này, vốn đã tăng gấp đôi trong 5 năm lên 5,5 nghìn tỷ yên (37,4 tỷ USD) vào năm 2023.
Những khoản thanh toán lớn nhất dẫn tới việc thâm hụt thương mại này của Nhật là dịch vụ đám mây và quảng cáo trên internet. "Ngành công nghiệp nội dung của Nhật Bản được kỳ vọng sẽ là "quân át chủ bài" trong việc phục hồi sau thâm hụt kỹ thuật số", một quan chức cấp cao tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật cho biết.
Theo nguyên tắc kinh tế về lợi thế so sánh, các quốc gia trở nên giàu có bằng cách tận dụng tối đa thế mạnh của mình. Theo báo cáo kinh tế thường niên năm 2024 của chính phủ, thâm hụt thương mại kỹ thuật số của Nhật Bản không hẳn là vấn đề, nhưng cũng cần phải tăng cường sức mạnh kiếm tiền của các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng, chẳng hạn như ngành công nghiệp nội dung.
Anime của Nhật đã có những thành công toàn cầu đáng chú ý thời gian vừa qua. Theo báo cáo “Giải thưởng nhu cầu truyền hình toàn cầu” của Parrot Analytics có trụ sở tại Hoa Kỳ, loạt phim hoạt hình “Jujutsu Kaisen” là chương trình truyền hình được yêu cầu nhiều nhất thế giới vào năm 2023. Tương tự như vậy là loạt phim hoạt hình "Attack on Titan" là vào năm 2021.
Các bộ phim hoạt hình nổi tiếng khác, chẳng hạn như "Oshi no Ko" và "Demon Slayer", cũng rất thành công bên ngoài Nhật Bản.
Trên toàn cầu, Nhật Bản bị tụt hậu so với Hàn Quốc về phim hành động và phim truyền hình và thua Trung Quốc ở trò chơi di động.
Các nhà cung cấp nội dung của Nhật Bản thường chậm mở rộng ra nước ngoài do có xu hướng giữ an toàn với thị trường trong nước. Điều này đã tạo ra những thách thức trong việc phát triển lợi thế cạnh tranh cho toàn bộ ngành công nghiệp nội dung.
Vào ngày 17 tháng 4, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tổ chức một cuộc họp cho Hội đồng hiện thực hóa chủ nghĩa tư bản mới. Tại đó, các đạo diễn phim từng đoạt giải thưởng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho ngành công nghiệp nội dung.
“Thật khó để cạnh tranh với các tác phẩm được hỗ trợ bởi hệ thống hỗ trợ công-tư như Hàn Quốc", Hirokazu Koreeda, nhà làm phim "Shoplifters" từng giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 2018, cho biết.
"Ngay cả khi có sự hỗ trợ, chắc chắn sẽ cần những người có con mắt tinh tường để cung cấp nó", Takashi Yamazaki, người từng giành giải Oscar cho hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất năm 2024 với phim "Godzilla Minus One", cho biết.
Chương trình nghị sự kinh tế được cập nhật mà chính phủ hoàn thiện vào tháng 6 có một phần mới dành riêng cho việc mở rộng ngành công nghiệp nội dung ra nước ngoài. Và từ "nội dung" xuất hiện hơn 80 lần trong một kế hoạch hành động để thực hiện hình thức chủ nghĩa tư bản mới của chính phủ Nhật Bản.
Ngành nội dung có một loạt thách thức riêng so với ngành sản xuất, nơi tiền có thể được đổ vào các nhà máy để sản xuất ra cùng một tiện ích hết lần này đến lần khác. Quỹ Cool Japan đã lỗ gần 40 tỷ yên kể từ khi ra mắt vào năm 2013. Việc đưa ra chính sách hiệu quả sẽ liên quan đến quá trình thử nghiệm và sai sót rộng rãi.
Dữ liệu chính thức cho thấy Nhật Bản xuất khẩu 4,7 nghìn tỷ yên nội dung hàng năm, gần bằng 5,7 nghìn tỷ yên của ngành bán dẫn và 5,1 nghìn tỷ yên của ngành thép.