Sửa Luật Quảng cáo: Cần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của hoạt động quảng cáo phù hợp thực tiễn phát triển, góp ý Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước…
Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, phát triển hoạt động quảng cáo. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của hoạt động này trên môi trường mạng (internet) và các nền tảng xuyên biên giới (trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động như Facebook, TikTok, YouTube...). Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; khắc phục những bất cập, khó khăn trong triển khai thi hành Luật Quảng cáo năm 2012. Chính phủ đã thống nhất về sự cần thiết xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Theo đó, Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo; yêu cầu về nội dung quảng cáo, điều kiện quảng cáo; quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng bổ sung quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời trong đó có hoạt động quảng cáo trên các phương tiện bảng, băng rôn, màn hình chuyên quảng cáo; nội dung, trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương…
Việc sửa đổi, bổ sung đã nêu đem đến nhiều kỳ vọng, tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật (sửa đổi), nhiều ý kiến cũng cho rằng, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của hoạt động quảng cáo phù hợp thực tiễn phát triển, cần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước…
Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Dự thảo đã quy định rõ về trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan đến hoạt động quảng cáo, trong đó Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo. Đây là điểm mới nổi bật, quan trọng của Dự thảo, khẳng định vai trò quan trọng của quảng cáo đối với sự phát triển, lan tỏa giá trị tích cực về hình ảnh, văn hóa, con người, bản sắc truyền thống, nhân văn của dân tộc Việt đến với cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện, cơ quan chủ trì soạn thảo nên bổ sung trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò là đơn vị quản lý Nhà nước về lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, có thể thực hiện 1 số nhiệm vụ chính như:
Thực hiện quản lý Nhà nước về nội dung, hoạt động quảng cáo đối với các sản phẩm công nghệ, công nghệ cao, công nghệ mới thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo;
Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo và thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quảng cáo đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ;
Xây dựng quy định, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra, xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ trong hoạt động quảng cáo. Tương tự, đối với trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với việc quản lý, phát triển nền tảng số, dữ liệu số… có liên quan đến hoạt động quảng cáo.
“Ngoài ra, cần thống nhất trách nhiệm của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch và Tổ chức xã hội nghề nghiệp về quảng cáo (Hiệp hội quảng cáo), UBND cấp tỉnh liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quảng cáo, xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn về quảng cáo”, TS Cấn Văn Lực đề xuất.
Liên quan nội dung này, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội -Đặng Đình Luyến cho biết, cơ quan soạn thảo đã cơ bản sửa đổi quy định tại Điều 5 của Luật Quảng cáo năm 2012 với nhiều điểm mới, tiến bộ; đã quy định rõ hơn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo.
Theo đó, đã quy định Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo và có các trách nhiệm sau: Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo;… tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần rà soát, quy định đảm bảo phù hợp và khả thi hơn.
Cụ thể, việc quy định Bộ Văn hóa thể thao và du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo là chưa thật sự phù hợp. Quy định như Dự thảo chưa thể hiện rõ được vai trò, trách nhiệm của cơ quan thay mặt Chính phủ quản lý lĩnh vực chuyên ngành.
“Đề nghị cần quy định rõ: Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hoạt động quảng cáo”, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất.
Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giữ lại quy định về trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động quảng cáo; trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã trong thực hiện quản lý Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo.
Được biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.