Khách du lịch Ấn Độ "mê" Việt Nam
Việc quảng bá và tiếp thị đối với khách du lịch Ấn Độ chính là “chìa khóa” để đưa du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới.
Theo ông Hà Văn Siêu - Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, nguồn khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng đa dạng và chúng ta thu hút thêm nhiều thị trường tiềm năng mới, đặc biệt năm 2024 là Ấn Độ tăng trưởng rất mạnh.
Thị trường Ấn Độ ngày càng được mở rộng, khai thác phân khúc cao cấp, tới khám phá những điểm đến mới của Việt Nam.
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, từ khi mở các đường bay thẳng Việt Nam - Ấn Độ vào tháng 6/2022 đến nay, Vietnam Airlines đã vận chuyển hơn 240.000 lượt khách. Hệ số sử dụng ghế luôn ở mức gần 80% trong năm 2024, cao gấp 1,5 lần so với năm 2022. Điều này chứng tỏ nhu cầu đi lại ngày càng lớn của du khách và doanh nhân giữa hai nước.
Khảo sát của các công ty du lịch cho thấy, du khách Ấn Độ ưa thích các điểm đến có thời gian bay ngắn tại khu vực Đông Nam Á và những địa danh mới mẻ như Việt Nam - nơi có cảnh sắc thiên nhiên đa dạng, khí hậu cho phép du lịch quanh năm, văn hóa lâu đời với các di sản thế giới trải khắp cả nước, ẩm thực và các loại hình du lịch phong phú, đa dạng.
Lý giải vì sao Việt Nam lại trở thành địa điểm hút khách du lịch Ấn Độ, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có đầy đủ thế mạnh để thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng khách này. Khoảng cách giữa Việt Nam và Ấn Độ không quá xa, gần đây lại có thêm nhiều đường bay thẳng kết nối hai quốc gia được vận hành cho nên rất thuận tiện cho di chuyển, chỉ mất khoảng 4 - 5 giờ cho hành trình bay đến Việt Nam.
Thêm nữa, người Ấn dành sự quan tâm lớn cho yếu tố chi phí du lịch, Việt Nam lại có giá thành dịch vụ cạnh tranh, rẻ hơn 10 - 15% so với các nước trong khu vực; đây là “điểm cộng” trong lựa chọn của du khách Ấn Độ. Bên cạnh đó, với nhiều người Ấn Độ, Việt Nam vẫn đang là điểm đến mới sở hữu nền văn hóa, ẩm thực đa dạng, tài nguyên thiên nhiên phong phú..., dễ kích thích nhu cầu muốn được khám phá.
Điều này góp phần lý giải tại sao gần đây lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam tăng mạnh, nhất là ở những nơi có tài nguyên du lịch phong phú, cơ sở hạ tầng chất lượng cao như Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…; trong đó phổ biến là hình thức đi du lịch theo nhóm gia đình, du lịch MICE, nhất là du lịch cưới với những đám cưới xa hoa của giới siêu giàu Ấn Độ. Đây cũng là kết quả từ việc thời gian qua, ngành du lịch và nhiều địa phương, điểm đến của nước ta đã chú trọng xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới thị trường Ấn Độ.
Ấn Độ là một trong những thị trường du lịch mà Việt Nam cần phải đầu tư thu hút trong thời gian tới. Đây rõ ràng là nguồn khách có nhiều tiềm năng và có tác động lớn đến việc quảng bá hình ảnh, dịch vụ du lịch của Việt Nam đến Ấn Độ.
Do đó theo nhiều chuyên gia, vấn đề quan trọng là phải xây dựng được những dịch vụ, sản phẩm đủ sức chinh phục thị trường khách vốn nổi tiếng khó chiều này. Bên cạnh sở thích ở những resort đẹp, khách Ấn còn thích ăn uống, dự tiệc. Khách Ấn Độ thường lựa chọn sử dụng dịch vụ có mức trung bình khá, họ tính toán, suy xét kỹ lưỡng các lựa chọn về đi lại, ăn uống. Việc hiểu được đặc điểm tâm lý, văn hóa, thói quen của du khách sẽ giúp các đơn vị cung ứng dịch vụ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong đáp ứng nhu cầu du khách.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm: Du khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam ngày càng tăng, song chưa có thống kê cụ thể và đầy đủ về nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch Ấn Độ. Cần có giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách Ấn Độ cho các đơn vị khai thác thị trường này.
Chuyên gia nghiên cứu du lịch, Thạc sĩ Nguyễn Văn Gia đề xuất, các đơn vị lữ hành cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác Ấn Độ để làm rõ các yêu cầu của khách về vấn đề ăn uống; thông báo chi tiết các dịch vụ trong chương trình, dịch vụ nào bổ sung, không có trong chương trình cần làm thành các lựa chọn với chi phí cụ thể để sẵn sàng phục vụ nếu khách có nhu cầu.
Chủ tịch LuxGroup Phạm Hà cho rằng, các hãng lữ hành, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch cần chủ động nắm bắt các đặc điểm tâm lý của người Ấn Độ.
Theo ông Phạm Hà, du khách Ấn Độ thích “mặc cả” và “đi chợ”. Giá cả là yếu tố quan tâm đầu tiên và quyết định chuyến đi của du khách Ấn Độ, quyết định việc đặt tour với công ty nào. “Tất cả các thị trường nói chung đều quan tâm về giá, nhưng du khách Ấn Độ là thị trường nhạy cảm về giá. Họ sẽ cố gắng lấy được thông tin về giá cả các dịch vụ cho chuyến đi để làm cơ sở đàm phán giá với đối tác. Họ tự coi mình là chuyên gia về du lịch, nên thường dành nhiều thời gian để nghiên cứu về điểm đến, giá cả trước khi lựa chọn điểm đến”, ông Hà chia sẻ.
Hiểu nhu cầu và có chiến lược quảng bá, xúc tiến hiệu quả, trong tương lai, ngành du lịch phục vụ khách Ấn Độ tại Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh, trải nghiệm độc đáo và gắn kết văn hóa giữa hai quốc gia.