Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần lộ trình hợp lý
Lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nên có tính linh hoạt để các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất có thời gian chuẩn bị, không bị sốc.
Đây là quan điểm được bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chia sẻ khi đề cập đến dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Tài chính soạn thảo.
Về cơ bản, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia khi mục tiêu của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn tại Việt Nam được đánh giá là khá tương đồng với mục tiêu cơ bản tại các quốc gia trên thế giới. Trong đó mục tiêu cơ bản nhất là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, điều tiết lượng sử dụng và hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia; đồng thời nhấn mạnh đến mục tiêu về đảm bảo bền vững nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, các phương án và lộ trình tăng thuế được đưa ra trong dự thảo đang là vấn đề được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm với lo ngại việc tăng mạnh và nhanh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn có thể khiến doanh nghiệp gặp thêm nhiều khó khăn hơn khi “sức khoẻ” chưa hồi phục.
Về nội dung này, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, ngành y tế không muốn sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá do lo ngại ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, nhưng các ngành sản xuất và dịch vụ ăn uống cũng cần phát triển. Do đó, việc đưa ra một chính sách thuế để hài hòa mục đích của các bên là rất khó.
Cái khó này đã được Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam phân tích: Chúng ta đều mong muốn đạt được mục tiêu đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng, mục tiêu tăng về ngân sách nhưng nếu đưa ra một chính sách bất hợp lý đôi lúc mục tiêu trên cũng khó đạt được. Nếu như thuế cao quá, người tiêu dùng có thể chuyển sang dùng hàng không chính đáng. Thực tế điều này đã diễn ra như tại Malaysia khi thuế tăng quá cao, người dân chuyển sang dùng thuốc lá lậu dẫn tới việc 3 nhà máy sản xuất tại đây phải đóng cửa, thu ngân sách giảm trong khi hàng nhập lậu tăng lên.
Thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ tác động tới ngân sách mà tác động tới người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất và cả ngành ăn uống, dịch vụ. Vì vậy, khi đưa ra lộ trình tăng thuế, theo Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nên có tính linh hoạt như giãn thời gian lên 2 - 3 năm để chuỗi sản xuất cung ứng có thời gian chuẩn bị, không bị sốc vì thuế tăng nhanh.
Về thời điểm bắt đầu tăng thuế dự kiến năm 2026 hay năm 2027, theo chương trình xây dựng pháp luật, không chỉ có Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt mà lần này còn có Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, tới đây là Luật thuế Thu nhập cá nhân. Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, ý tưởng là hợp lý song còn liên quan tới lộ trình với các sắc thuế khác và ngân sách Nhà nước nên cần tính toán phương án giữa ngân sách, doanh nghiệp và các yếu tố khác cho đồng bộ.
Nếu được chấp nhận đây cũng là biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cùng với các biện pháp tài khoá khác như giảm 2% thuế VAT, giảm lệ phí trước bạ… giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, phục hồi hậu COVID - 19.