Thái Bình: Doanh nghiệp đưa khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm
Từ đầu năm đến nay, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song các doanh nghiệp Thái Bình đã triển khai đưa khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất
Thời gian qua, các doanh nghiệp đã đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất, đã làm cho giá trị, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp được nâng lên rõ rệt, các sản phẩm xuất khẩu ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất đều đã đáp ứng được những yêu cầu “khó tính” của thị trường nước ngoài, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu.
Ông Phạm Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May HNF cho biết: Việc áp dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh cũng đã góp phần giảm nhiều chi phí, công sức cho người lao động, tăng giá trị sản phẩm và tạo được sức hút với khách hàng. Doanh nghiệp đã chủ động đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, thay thế các khâu sản xuất thủ công thành quy trình sản xuất tự động hóa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đồng thời doanh nghiệp còn triển khai ứng dụng các giải pháp số hóa trong hoạt động quản trị doanh nghiệp như: sử dụng hệ thống chấm công tự động để quản lý nhân sự từ xa; ứng dụng các phần mềm kế toán, quản lý kho hàng, thực hiện giao dịch thương mại điện tử, ký kết đơn hàng trực tuyến với khách hàng, liên kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán để tiến hành thanh toán từ xa, thanh toán không dùng tiền mặt… Qua đó giúp doanh nghiệp tối ưu hóa được các yêu cầu về chi phí, tăng năng suất lao động và mở rộng thị trường.
Ông Đỗ Văn Vẻ - Chú tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình: Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn đã đồng lòng vượt khó. Các doanh nghiệp đã không ngừng đầu tư thiết bị mới, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Việc từng bước đưa KHCN vào sản xuất được coi là “thước đo” để các doanh nghiệp nhìn nhận, tìm ra sự khác biệt trong nội tại cơ cấu, hoạt động của mình trước và sau khi ứng dựng KHCN. Từ đó, sẽ định hướng, điều chỉnh được các sản phẩm đa dạng, chất lượng đáp ứng được thị trường, thích ứng với môi trường kinh doanh trong thời kỳ mới.
Nâng cao sức cạnh tranh
Nhận thức rõ KHCN chính là điều kiện để bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, thời gian qua, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ông Nguyễn Văn Thụ - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh và vận tải Tiên Phong cho biết: Dù thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước song Công ty vẫn chủ động, linh hoạt tạo ra sản phẩm mới để bắt kịp xu thế.
Trước đây Công ty chuyên sản xuất gỗ ghép, sau khi thị trường tiêu thụ thu hẹp, Công ty đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, mua hệ thống máy móc hiện đại hàng tỷ đồng để nâng cao sản xuất viên nén gỗ, tấm pallet gỗ. Hiện Công ty đang giải quyết việc làm ổn định cho hơn 100 lao động với mức lương 7 - 10 triệu đồng/người/ tháng.
Theo ông Thụ, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc ứng dụng KH&CN tạo nên những sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Công ty dự định sẽ đầu tư mở rộng nhà xưởng gấp đôi hiện tại để đáp ứng đơn hàng ngày càng nhiều, đồng thời giải quyết thêm việc làm cho lao động địa phương.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư QDH: Trước đây nhà máy của Công ty có quy mô 3.000m2 với 3 dây chuyền máy móc cán ép công suất 1.200 tấn sản phẩm/năm. Năm 2023, Công ty mạnh dạn đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại. Sản xuất tự động, khép kín nhờ vậy các sản phẩm của Công ty đã có chỗ đứng vững chắc ở một số thị trường: Nhật Bản, Ấn Độ, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kì, Rumani. Doanh thu của Công ty hiện đạt 150 tỷ đồng/năm, doanh nghiệp đang tiếp tục đầu tư mở rộng 2 xưởng sản xuất và phát triển thêm một số sản phẩm mới, phấn đấu đưa doanh thu lên 450 tỷ đồng/năm vào năm 2026
Chị Nguyễn Thị Hương - Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư QDHchia sẻ: Hiện nay, anh chị em công nhân làm việc ở nhà máy mới có hạ tầng rất hiện đại từ nhà xưởng rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ đến máy móc hỗ trợ công việc rất nhiều, năng suất lao động cao hơn và thu nhập cũng tăng lên.
Ông Tưởng Công Quang - Giám đốc Công ty phần Đầu tư QDH cho biết: Hiện nay, tỷ lệ máy móc tự động hóa sản xuất của Công ty Cổ phần Đầu tư QDH đạt gần 90%. Với việc đầu tư mạnh mẽ cho đổi mới công nghệ, máy móc, doanh nghiệp tạo ra những lợi thế cạnh tranh trong cả sản xuất và kinh doanh
Theo ông Quang: Nhờ có máy móc tự động hóa sản xuất, Công ty đã giảm được tỷ lệ sản phẩm lỗi, giảm chi phí nhân công và cải thiện môi trường làm việc nên người lao động yên tâm, phấn khởi gắn bó tạo sự ổn định nguồn nhân lực.
Bà Trần Thị Diễn - Giám đốc Trung tâm khẳng định: Thời gian qua nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động đào tạo trình độ tay nghề, chuyên môn cho người lao động để vận hành tốt, làm chủ các máy móc, thiết bị góp phần tăng năng suất, giảm áp lực công việc cho người lao động, giảm chi phí sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh cho cả sản phẩm và doanh nghiệp trên thị trường.
Hiệu quả thiết thực, cụ thể của việc đưa KHCN vào sản xuất đã thúc đẩy các doanh nghiệp thay đổi tư duy, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc hiện đại góp phần tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.