“Khu du lịch đẳng cấp thế giới” sẽ tạo ra đầu kéo cho du lịch Đà Nẵng
Nhìn về mặt tích cực,minh chứng rõ nét nhất là Đà Nẵng qua ba năm dịch bệnh thì ngành phục hồi nhanh nhất, sớm nhất và hỗ trợ cho kinh tế thành phố nhiều nhất là du lịch.
Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng được quy hoạch để có những khu du lịch đẳng cấp thế giới. Trên cơ sở tài nguyên, cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ đang có, quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng phải kêu gọi, có được sự đồng hành của các nhà đầu tư đủ tầm, đủ lớn, đủ quyết liệt, đủ tư duy để hình thành hệ thống sản phẩm, dịch vụ nổi bật, đột phá… Đây cũng là cách để hướng tới sự phát triển bền vững cho Đà Nẵng.
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Ảnh Nguyễn Hoàng
Du lịch phải là trụ cột khi phục hồi và phát triển kinh tếĐà Nẵng
- 15 năm qua Đà Nẵng đã có bước nhảy vọt về phát triển du lịch, từ chỗ nghèo nàn thiếu thốn hạ tầng đã trở thành 1 trong những điểm đến hút khách bậc nhất cả nước. Theo ông, đâu là những yếu tố trọng yếu giúp du lịch Đà Nẵng đạt được những thành tựu này?
Những năm qua, Đà Nẵng không chỉ đóng góp về lượng khách mà đã trở thành một trong những thương hiệu du lịch gắn với Việt Nam, cả về tài nguyên, hạ tầng, hệ thống dịch vụ, cả công tác phục vụ, môi trường điểm đến.
Có 3 yếu tố trọng yếu giúp Đà Nẵng đạt được thành công này. Trước hết, Đà Nẵng sở hữu tài nguyên du lịch phong phú, hấp dẫn, được hỗ trợ bởi vị trí chiến lược, là điểm bay đến rất thuận lợi của các nước trong khu vực. Các thị trường lớn như là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đều dễ dàng tiếp cận, riêng Đông Nam Á bay trong chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ. Hệ thống cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng được phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh; hệ thống dịch vụ đa dạng, đẳng cấp cao. Cùng với đó là nét văn hóa đặc sắc, con người thân thiện.
Thứ hai, tư duy đột phá của lãnh đạo địa phương qua nhiều thời kỳ đã biến Đà Nẵng trở thành điểm đến có khả năng phát triển du lịch bền vững dựa trên nền tảng tài nguyên sẵn có kết hợp thu hút đầu tư phát triển hạ tầng.
Thứ ba, việc thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn có khả năng làm thay đổi diện mạo, để sớm hình thành một hệ thống hạ tầng đồng bộ cũng như dịch vụ chất lượng cao đã tạo năng lực đột phá cho điểm đến. Nhờ đó tạo nên một hệ sinh thái sản phẩm có thể nói là ngang hàng và vượt trước rất nhiều địa điểm khác trong khu vực. Du khách đến đây trong thời gian một tuần, hai tuần vẫn không nhàm chán, vẫn đủ trải nghiệm hấp dẫn cho khách lựa chọn.
- Du lịch đã phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Vậy ông đánh giá như thế nào về tác động lan tỏa của ngành du lịch đối với kinh tế - xã hội Đà Nẵng?
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có sức lan tỏa rộng lớn, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực. Không chỉ đóng góp lớn vào GRDP hằng năm của thành phố, mà còn tạo công ăn công việc làm ổn định, bền vững cho người dân. Lực lượng lao động và tầng lớp dân cư Đà Nẵng trong nhiều năm vừa qua đã hết sức ủng hộ việc phát triển du lịch bởi sự lan tỏa chung đến nhiều ngành, lĩnh vực cũng như cộng đồng người dân, doanh nghiệp.
Đây là ngành rất có ý nghĩa khi chúng ta đã trải qua những cú sốc về kinh tế. Tất nhiên, ngành có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các cú sốc cũng là du lịch. Nhưng nhìn về mặt tích cực,minh chứng rõ nét nhất là Đà Nẵng qua ba năm dịch bệnh thì ngành phục hồi nhanh nhất, sớm nhất và hỗ trợ cho kinh tế thành phố nhiều nhất là du lịch.
Không chỉ Đà Nẵng, nhiều điểm đến khác cũng coi du lịch phải là trụ cột khi phục hồi và phát triển kinh tế, nổi bật nhất là Thái Lan. Quốc gia này đã sử dụng du lịch làm đầu tàu để tạo lan tỏa thúc đẩy các ngành kinh doanh khác.
- Các quốc gia đang nỗ lực phục hồi ngành du lịch sau 3 năm dịch bệnh, dẫn tới sự cạnh tranh điểm đến rất khốc liệt. Theo ông, Đà Nẵng cần phải làm gì, có hướng phát triển bền vững ra sao để tránh nguy cơ tụt hậu?
Nếu chúng ta đặt vấn đề là phải có sản phẩm mới, phải có công trình lớn…, thực ra, Đà Nẵng đã làm rất tốt việc này. Trong nhiều năm qua Đà Nẵng luôn giới thiệu được công trình mới, sản phẩm mới cho thị trường.
Điểm đến là buộc phải có mới, nhưng chúng ta phải trên cơ sở tổng thể thị trường. Đối với các thị trường mới thì hoàn toàn có thể sử dụng những sản phẩm đang có. Đối với những thị trường lặp lại thì chúng ta buộc phải có sản phẩm mới, nhưng mới không đồng nghĩa buộc phải tạo ra cái mới hoàn toàn mà có thể làm mới cái cũ. Như Bà Nà Hills hay là Da Nang Downtown chẳng hạn, đó là những điển hình luôn có sự đột phá và mới mẻ.
Trên cơ sở tài nguyên, cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ đang có, quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng phải kêu gọi, có được sự đồng hành của các nhà đầu tư đủ tầm, đủ lớn, đủ quyết liệt, đủ tư duy để hình thành hệ thống sản phẩm, dịch vụ nổi bật, đột phá theo quy hoạch đó.
Bà Nà Hills có thể vượt Genting của Malaysia
- Đà Nẵng gần đây đã có những show diễn mới ở Da Nang Downtown, Bà Nà Hills và sắp tới quy mô của Bà Nà Hills cũng sẽ được nâng tầm lên một đẳng cấp mới. Vậy ông có kỳ vọng Đà Nẵng sẽ sớm có được những hình mẫu khu du lịch tầm cỡ như trên thế giới?
Đây là một định hướng rất lớn của thành phố về phát triển du lịch và đã nằm trong quy hoạch chung của điểm đến. Đà Nẵng sẽ có khu du lịch Bà Nà Hills đẳng cấp thế giới, hướng tới vượt qua cả Genting (Malaysia) bởi vì Bà Nà gần sân bay hơn, đi lại thuận tiện hơn, phong cảnh tươi đẹp hơn, đương nhiên diện tích không rộng bằng.
Vì sao Đà Nẵng phải có một khu du lịch tầm cỡ, đẳng cấp? Trong nhiều năm vừa qua, với sức hút rất lớn nhưng các loại hình dịch vụ, cơ sở lưu trú không đủ, cho nên Đà Nẵng đã bị hụt việc khai thác một lượng khách lớn hơn đến Bà Nà. Rõ ràng có được một khu du lịch tầm cỡ sẽ tạo ra một đầu kéo cho du lịch Đà Nẵng.
Bà Nà từ trước đã được xác định là một điểm phát triển du lịch của thành phố, chứ không phải chỉ đến khi có doanh nghiệp tham gia. Bà Nà cùng với Bạch Mã, Tam Đảo, Đà Lạt, đều là các điểm đến từ rất lâu người Pháp tìm kiếm để đầu tư trở thành nơi nghỉ mát.
Khi xây dựng khu du lịch tầm cỡ, cần hướng đến phát triển bền vững trên tinh thần của 3 trụ cột. Thứ nhất, bền vững về kinh tế, thu hút được thêm nhiều khách, tạo nhiều công ăn việc làm, tăng được nguồn thu cho ngân sách. Thứ hai là bền vững về các giá trị văn hóa, phù hợp với đặc trưng riêng của điểm đến Bà Nà. Thứ ba là hài hòa với môi trường. Và Bà Nà đã làm rất tốt những việc này. Chúng tôi tin rằng, Bà Nà Hills sẽ phát triển xứng tầm, đạt được vị thế xứng đáng và đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế, xã hội, du lịch Đà Nẵng.
- Vậy đâu là cách hiệu quả nhất để điểm đến vừa có được những dự án tầm cỡ, vừa hướng tới phát triển bền vững, thưa ông?
Yếu tố phát triển bền vững luôn được khẳng định trong các chủ trương của Đảng, Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2045. Các dự án du lịch cần hướng tới phát huy vẻ đẹp thiên nhiên, hài hòa với tự nhiên, cân bằng lợi ích và đây là một bài toán rất khó. Cần hiểu rằng, tài nguyên nếu không đưa vào khai thác, biết cách khai thác thì mãi mãi chỉ là tài nguyên thôi, khó có thể biến nó thành sản phẩm du lịch hấp dẫn để nâng cao thương hiệu điểm đến, thu hút thêm khách, tăng thu nhập cho người dân.
Thực tế, nhà đầu tư lớn sẽ có những cam kết rất chắc chắn và luôn luôn phải phải bảo vệ thương hiệu, khi mà họ vận hành cả một chuỗi các điểm đến thì không thể nào làm mất hình ảnh được. Còn nếu như giao cho một số nhà đầu tư nhỏ lẻ thì phải thành công, họ mới làm tiếp; không thành công, họ bỏ ngang giữa chừng.
Cho nên, chúng tôi vẫn ủng hộ những “sếu đầu đàn”, “đại bàng” lớn có cam kết đồng hành dài hạn để tạo ra được những dự án đẳng cấp, nâng tầm thương hiệu điểm đến, tạo ra nhiều giá trị kinh tế - xã hội, giúp cộng đồng doanh nghiệp, người dân cùng hưởng lợi. Và đó chính là những yếu tố tạo nên sự phát triển du lịch bền vững cho mỗi địa phương.
Xin trân trọng cảm ơn ông!