Thúc đẩy sáng tạo để phát triển
Ngành cà phê ở Tây Nguyên có nhiều khó khăn, điều đó đòi hỏi từng công ty, đơn vị phải thúc đẩy sự sáng tạo ở cán bộ công nhân kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của sản xuất.
Đầu tháng 3 năm 2024, là thời điểm cây cà phê đối mặt với hạn hán, thiếu nước tưới. Hàng loạt hồ thuỷ lợi nhỏ bị cạn trơ đáy, một số hồ lớn còn nước nhưng xa vườn cây đòi hỏi công nhân, kỹ thuật phải có sự sáng tạo lấy nước về tưới.
Công ty TNHH MTV cà phê Ia Châm là công ty 100% vốn nhà nước, chuyên trồng và chăm sóc cây cà phê ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Trước những khó khăn của ngành cà phê, Công ty TNHH MTV cà phê Ia Châm cũng không phải là đơn vị ngoài cuộc. Để vượt qua khó khăn, Ban Giám đốc công ty cùng tập thể cán bộ công nhân viên đã quyết tâm, sáng tạo trong cải tiến kỹ thuật, áp dụng phương thức làm việc sản xuất phù hợp với từng thời điểm để vượt qua khó khăn.
Ông Trần Văn Trường - Đội trưởng đội sản xuất 19/5 Công ty TNHH MTV cà phê Ia Châm cho hay “thời điểm đầu năm, nhiều diện tích cà phê của đội bị lốc xoáy rụng lá, thời gian sau gặp nắng hạn. Để cứu cây cà, chúng tôi đã phải căng từng tấm lưới chắn gió, đưa ra bàn bạc tập thể phương án phục hồi cây trồng. Có thể đây là thời điểm khó khăn bởi nếu không kịp cứu cây cà phê, thì sẽ có hàng chục ngàn cây cà phê chết khô”.
Với những góp ý của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, công nhân nhiều phương án được đưa ra bàn bạc. Trong đó ưu tiên nước tưới kết hợp phân bón hữu cơ để chăm sóc và thúc đẩy cây phục hồi.
Đóng vai trò trung tâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Ia Châm, ông Lê Anh Tuấn cho hay “Để vượt qua khó khăn, chúng tôi động viên cán bộ kỹ thuật, công nhân sáng tạo từng việc làm để chăm sóc vườn cây và vượt qua khó khăn”.
Hiện Công ty TNHH MTV cà phê Ia Châm có khoảng gần 400 cán bộ, công nhân, kỹ thuật nhận trồng và chăm sóc hơn 500 héc ta cà phê. Để thuận lợi hơn trong chắn gió, che nắng cho vườn cây, công ty đã thiết kế trồng xen canh cây sầu riêng. Điều này đã giúp hài hoà lợi ích của công nhân, người lao động với công ty, tăng thêm giá trị thu nhập tạo nên giá trị liên kết bền vững.
Ngoài ra, Công ty TNHH MTV cà phê Ia Châm còn hợp tác với các chuyên gia, đơn vị đào tạo hỗ trợ mở lớp thực hành đầu bờ cho công nhân, người lao động. Trong đó, tập trung nâng cao kỹ thuật trồng và và chăm sóc nâng cao sản lượng cà phê, cây sầu riêng.
Sáu tháng đầu năm, hàng trăm công nhân được tập huấn kỹ thuật, thúc đẩy sáng tạo, qua đó giúp vườn cây đạt được sản lượng đề ra trên mỗi đơn vị nhận khoán, đồng thời đảm bảo đời sống cho người lao động.
Theo ông Lê Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Ia Châm cho hay: “Một trong những tiêu chí quan trọng là đóng góp vào chiến lược của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 là định hướng phát triển sản phẩm cà phê chất lượng được chăm sóc theo hướng hữa cơ bền vững theo tiêu chuẩn cà phê có trách nhiệm UTZ 4C, RA và AA. Khi hiện nay, người dùng trên thế giới đang ưu tiên dùng nhãn hàng cà phê Việt Nam, đặc biệt là các thị trường lớn như EU, Mỹ, Đông Bắc Á, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hướng tới sản phẩm đến tay người tiêu dùng có sự đặc trung của miền đất đỏ bazan này”.