Đưa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới
Ngày 19/8, tại Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm cấp cao với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tại buổi hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên đến Trung Quốc, cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự coi trọng cao và ưu tiên hàng đầu của hai Đảng, hai nước đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, cho rằng đây là thời điểm quan trọng để hai nước đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi phương diện.
“Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc; ủng hộ Việt Nam kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”. - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược với Trung Quốc. Đồng thời, khẳng định mong muốn cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc kế thừa và phát huy tốt truyền thống hữu nghị lâu đời giữa hai Đảng, hai nước, định hướng quan hệ Việt - Trung bước vào giai đoạn mới phát triển ngày càng ổn định, bền vững lâu dài.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thông báo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình về tình hình Việt Nam thời gian gần đây, nhất là phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, quốc phòng-an ninh và hoạt động đối ngoại; đồng thời nhấn mạnh Việt Nam sẽ phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc" để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội XIV của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chúc mừng những thành tựu mà Đảng, Nhà nước mà nhân dân Việt Nam đạt được trong thời gian qua; tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ gặt hái nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trên sự nghiệp Đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao mà Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng, nhất là từ sau hai chuyến thăm lịch sử của lãnh đạo cao nhất hai Đảng trong hai năm 2022 và 2023, quan hệ hai bên duy trì đà phát triển tích cực, đạt nhiều điểm sáng theo đúng các phương hướng "6 hơn", bao gồm: Tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng.
“Việt Nam kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, kiên định chính sách quốc phòng "4 không". - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định.
“Trung Quốc kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên và sự lựa chọn chiến lược trong chính sách ngoại giao láng giềng”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định mạnh mẽ.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã đi sâu trao đổi về các định hướng lớn nhằm tăng cường tin cậy, củng cố hữu nghị, nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, duy trì hòa bình, ổn định trên biển, đưa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững theo đúng phương châm "16 chữ", tinh thần "4 tốt".
Về vấn đề trên biển, hai bên đã trao đổi chân thành, thẳng thắn, nhất trí thực hiện tốt các nhận thức chung cấp cao đã đạt được, nỗ lực kiểm soát và giải quyết tốt hơn các bất đồng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị hai bên cần tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, giải quyết các bất đồng bằng các biện pháp hoà bình, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982); thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC và thúc đẩy COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.