Đất đấu giá ngoại thành Hà Nội tiếp tục nóng: Cẩn trọng bẫy giá ảo
Hàng loạt cuộc đấu giá đất gần đây ghi nhận những con số kỷ lục khiến thị trường bất động sản ngoại thành Hà Nội thêm nóng.
Ngày 19/8, cuộc đấu giá 19 lô đất tại huyện Hoài Đức, Hà Nội đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư với hơn 700 bộ hồ sơ và khoảng 400 khách hàng tham gia.
Liên tiếp đấu giá đất
Với giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2, thấp hơn nhiều so với giá thị trường xung quanh, hiện dao động từ 40 đến 62 triệu đồng/m2. Qua 6 vòng đấu giá, giá trúng thấp nhất khoảng 43 triệu đồng/m2, cao gấp gần 6 lần giá khởi điểm.
Vào ngày 26/8 tới, huyện Hoài Đức sẽ tiếp tục đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 20 thửa đất (lô LK01 và LK02) thuộc dự án Hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn xã Tiền Yên - Xứ đồng Lòng Khúc. Các thửa đất có diện tích 89m2 đến 145 m2/thửa với giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2.
Các chuyên gia cho rằng việc đấu giá bắt đầu với mức giá thấp có thể kích thích sự cạnh tranh khốc liệt, đẩy giá trúng lên cao hơn rất nhiều. Điều này không chỉ thu hút các nhà đầu tư lớn mà còn tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ tham gia với mục đích "lướt sóng" mua đất rồi bán lại với giá chênh lệch ngay sau khi trúng thầu.
Tuy nhiên, cũng có lo ngại rằng sự gia tăng giá trị đất đột ngột qua các phiên đấu giá có thể dẫn đến hiện tượng "bong bóng" bất động sản, gây ra những biến động khó lường trong thị trường.
Trước đó, cuộc đấu giá các lô đất tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, đã gây bất ngờ khi một số lô đạt mức giá kỷ lục lên tới 100 triệu đồng/m2. Mức giá này được coi là quá cao so với vị trí thực tế, khi Thanh Oai cách trung tâm Hà Nội khoảng 30-40 km, và giá khởi điểm chỉ từ 8,6 đến 12,5 triệu đồng/m2. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn nhà đầu tư tham gia, tạo nên một "cơn sốt" trên thị trường bất động sản vùng ven.
Nhiều nhà phân tích thị trường bất động sản tỏ ra hoài nghi về tính thực tế của mức giá này, đặc biệt khi giá trị thực của đất tại đây có thể không tương xứng.
Một số ý kiến cho rằng giá trúng đấu cao có thể là kết quả của việc "thổi giá" từ các nhà đầu tư và môi giới, với hy vọng kiếm lời nhanh chóng từ việc bán lại lô đất với giá chênh lệch cao. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau phiên đấu giá, nhiều lô đất đã được rao bán lại với mức chênh lệch giảm đáng kể, thậm chí có trường hợp bị bỏ cọc.
Nhà đầu tư cần thận trọng
Các chuyên gia cảnh báo rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có nhiều biến động, nhà đầu tư cần thận trọng, tránh chạy theo những cơn sốt đất không bền vững. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng phiên đấu giá này có thể đã được thúc đẩy bởi Luật Kinh doanh Bất động sản mới có hiệu lực từ ngày 1/8, giới hạn việc phân lô bán nền tại một số khu vực điều này khiến nhiều nhà đầu tư tranh thủ cơ hội trước khi các quy định mới ảnh hưởng đến thị trường.
Dù giá đất đạt mức kỷ lục trong phiên đấu giá, nhưng thị trường có dấu hiệu điều chỉnh ngay sau đó, phản ánh rủi ro lớn trong đầu tư bất động sản ở các khu vực ngoại thành không có tiềm năng phát triển rõ ràng.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản trung tâm thành phố ngày càng khan hiếm, các khu vực ngoại thành với quỹ đất dồi dào và tiềm năng phát triển đang trở thành mục tiêu mới của giới đầu tư. Việc giá đất ngoại thành Hà Nội liên tục tăng cao trong thời gian gần đây đòi hỏi sự thận trọng từ các nhà đầu tư. Thị trường đang đối mặt với những rủi ro lớn từ các đợt sốt đất không bền vững. Nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham gia vào các cuộc đấu giá đất tại các khu vực ngoại thành, đặc biệt là những nơi có mức giá cao bất thường.
Để đảm bảo giá trị đất đai phản ánh đúng tiềm năng thực tế, cơ quan quản lý khuyến nghị các địa phương cần chú trọng vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và quy hoạch đô thị bền vững. Điều này bao gồm việc phát triển giao thông, tiện ích công cộng, và các dịch vụ cần thiết để nâng cao chất lượng sống, từ đó tạo ra giá trị thực cho đất đai. Nhà đầu tư nên tập trung vào các chiến lược đầu tư dài hạn, thay vì chạy theo các cơn sốt đất ngắn hạn. Điều này đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng về tiềm năng phát triển của khu vực cũng như cân nhắc về các yếu tố kinh tế và luật pháp.
Cuối cùng, việc cung cấp thông tin minh bạch và chính xác về tình hình thị trường bất động sản là rất quan trọng. Các cơ quan quản lý và các tổ chức chuyên nghiệp nên thường xuyên cập nhật thông tin để nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định “xuống tiền”, tránh rơi vào bẫy giá ảo và rủi ro tài chính không mong muốn.