Triển vọng mới cho sầu riêng đông lạnh Việt Nam
Trung Quốc mở ra "cánh cửa" mới cho sầu riêng đông lạnh Việt Nam.
Ngày 19/8, tại Bắc Kinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) ký nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Lễ ký nghị định thư được diễn ra tại Bắc Kinh, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Việc Trung Quốc mở ra "cánh cửa" mới cho sầu riêng Việt Nam, thông qua việc ký nghị định thư cho phân khúc sầu riêng đông lạnh được nhập khẩu vào quốc gia này một lần nữa là cơ hội để ngành hàng nâng cao giá trị, tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất sản phẩm tươi.
Các chuyên gia nhận định, tương lai giá trị xuất khẩu ngành hàng sầu riêng có thể đạt đến 3,5 tỷ USD, không dừng lại ở con số trên 2 tỷ USD như hiện nay.
Bình luận về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Vinafruit cho biết khi Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc được ký kết, sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng thêm từ 200 – 300 triệu USD/năm.
Hiện nay, tại thị trường Trung Quốc sầu riêng tươi của Việt Nam đang cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm của Thái Lan. Tuy nhiên, Thái Lan có lợi thế về mặt hàng sầu riêng đông lạnh nguyên trái và sản phẩm đông lạnh tách múi.
Do đó, việc Việt Nam ký được nghị định thư với Trung Quốc mặt hàng sầu riêng đông lạnh sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này đột phá.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm đông lạnh cũng đỡ áp lực trong tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật như các sinh vật có nguy cơ gây hại đi kèm quả tươi, và có thể bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc nhờ thời gian bảo quản dài.
Mặc dù, Thái Lan có giấy phép xuất khẩu sầu riêng tươi và đông lạnh vào thị trường Trung Quốc, nhưng vào các tháng 1, 2 và 3 họ không có hàng cho nên phải nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam để xuất sang Trung Quốc.
“Khi Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc được kết ký kết, kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung và sầu riêng nói riêng sẽ tăng rất nhiều. Dự kiến, giá trị xuất khẩu sầu riêng trong năm nay sẽ tăng ít nhất là 200 - 300 triệu USD”, ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.
TS Lương Ngọc Trung Lập, chuyên gia phân tích thị trường nông sản bình luận Trung Quốc là thị trường chủ lực của trái sầu riêng, nhu cầu của người tiêu dùng tại quốc gia này còn rất cao. Trong khi, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh sản xuất sầu riêng, trái cây nhiệt đới, có đường biên giới thuận tiện giao thương.
“Đặc biệt, Việt Nam có lợi thế về giống sầu riêng phù hợp với công nghệ cấp đông như Ri6, Monthong, với sản lượng tương đối lớn, trồng được ở nhiều vùng, thời điểm cung cấp gần như quanh năm”, TS Lương Ngọc Trung Lập nói.
Vẫn theo TS Lương Ngọc Trung Lập, ưu điểm sầu riêng đông lạnh là tiêu chuẩn hàng hóa thấp hơn so với trái tươi, không cần màu sắc vỏ trái, quan trọng là chất lượng bên trong.
“Như vậy, người sản xuất phải đảm bảo sầu riêng chín trước khi đưa vào đông lạnh. Hơn nữa, quá trình vận chuyển sầu riêng đông lạnh cũng dễ dàng và thời gian bảo quản sản phẩm được lâu”, TS Lương Ngọc Trung Lập bày tỏ.
Việc Trung Quốc chính thức ký Nghị định thư để sầu riêng đông lạnh của Việt Nam thuận đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, loại trái cây “vua” sẽ càng gia tăng sức mạnh, đa dạng hóa mặt hàng sầu riêng.
Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh.
Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này.
Sầu riêng cũng là chủng loại quả xuất khẩu chính trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu của Việt Nam. Việc đẩy mạnh xuất khẩu chủng loại trái cây này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu chủng loại quả của Việt Nam tăng trưởng tích cực trong năm 2024.