Kích cầu tiêu dùng: Cần thiết hỗ trợ cả phía cung
Ngoài các chính sách hỗ trợ phía cầu, cần kết hợp thêm chính sách hỗ trợ bên cung - doanh nghiệp để kích cầu tiêu dùng đạt hiệu quả.
Cùng với đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, động lực tăng trưởng này đang có dấu hiệu suy giảm.
Nhìn nhận về động lực tăng trưởng này, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh cho biết, những năm trước, tiêu dùng nội địa mà đại diện bởi chỉ số bán lẻ có mức tăng cao. Nếu trừ đi yếu tố giá, mức tăng này duy trì ở con số 8 - 9%, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Song mức tăng này đã giảm dần từ quý 3/2023 và đến quý 4/2023 chỉ còn 5,1%. Có thể hiểu, động lực tăng trưởng đã suy yếu. Trong 7 tháng đầu năm 2024 tiêu dùng bán lẻ tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa tích cực bởi mức tăng 5% (trừ yếu tố giá) được duy trì từ đầu năm đến nay trong khi tăng trưởng chung của nền kinh tế là 6,4%.
Tăng trưởng của tiêu dùng bán lẻ đã thấp hơn tăng trưởng chung. Trong đó, theo TS. Võ Trí Thành mức tăng thấp của tiêu dùng bán lẻ có được từ 10 triệu khách du lịch nước ngoài. Nói như vậy để thấy mức tăng tiêu dùng nội địa giảm, người tiêu dùng có xu hướng chần chừ, e ngại hơn trong việc “móc hầu bao” cho tiêu dùng.
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, tính chung cả giai đoạn 2021-2023, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đặt ra là 13 - 13,5%/năm trong Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Khảo sát do NielsenIQ thực hiện cũng cho thấy, 36% người tiêu dùng lo ngại suy thoái kinh tế và 25% lo ngại mất việc làm, đồng thời cảm nhận được tác động của lạm phát qua việc tăng giá bán hàng hoá. Những lo ngại này khiến cả nhóm người trẻ tuổi và cao tuổi đều có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn hoặc cắt giảm tiêu dùng các mặt hàng không cần thiết. 62% người tiêu dùng Việt Nam cũng lựa chọn nấu ăn tại nhà nhiều hơn.
Trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các doanh nghiệp bán lẻ còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ xu hướng mua sắm hiện đại và đa kênh. Các nhãn hiệu lớn cũng gặp khó khăn trong việc tăng trưởng và giữ chân khách hàng.
Nhận định đây vừa là cơ hội vừa là thách thức với các doanh nghiệp bán lẻ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các nhà sản xuất, các doanh nghiệp bán lẻ cần chủ động thay đổi chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn, cung cấp các giải pháp phù hợp và tạo sự hài lòng cho người tiêu dùng. Trước hết là tái cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng; tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá kích cầu tiêu dùng, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu…
Về mặt chính sách, theo TS. Võ Trí Thành, cần thực hiện đồng bộ giải pháp như tăng cường thu hút khách du lịch nước ngoài; tiếp tục kích cầu nội địa thông qua các chính sách đang thực hiện tốt như giảm thuế phí, hỗ trợ người lao động dễ bị tổn thương… Tuy nhiên, bên cạnh đó, cần thực hiện chính sách hỗ trợ bên cung - đó là các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất kinh doanh qua chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, nhất là trong thời điểm mùa mua sắm cao điểm cuối năm, các dịp lễ đang cận kề.
“Cần thực hiện chính sách hỗ trợ kết hợp cả hai bên bởi bên cầu tuy quan trọng nhưng phía cung cũng rất cần thiết. Hỗ trợ sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển chính là ổn định việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động để từ đó quay lại câu chuyện kích cầu tiêu dùng. Khi đó, tiêu dùng nội địa mới có thể trở thành một trong những trụ cột của tăng trưởng kinh tế” - TS. Võ Trí Thành cho hay.