Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp giúp cải thiện năng suất chất lượng sản phẩm. Từ đó, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho doanh nghiệp.
Đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Từ đó mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho doanh nghiệp. Việc xây dựng và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua đã tạo hiệu ứng bước đầu, làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong thời kỳ hội nhập.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh: Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, tỉnh Quảng Ninh đã và đang phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên cùng với những chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư của tỉnh để xây dựng, phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Các doanh nghiệp đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản, đóng vai trò là “cầu nối" giúp nền nông nghiệp hướng đến sản xuất bền vững.
Dự án sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính (giai đoạn 1) với diện tích 38,5ha của Công ty TNHH Thủy sản Việt Úc - Quảng Ninh là "hạt nhân" trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thủy sản của huyện Đầm Hà. Công ty đưa vào sử dụng 24 nhà sản xuất ương dưỡng ấu trùng, nhà máy xử lý nước theo công nghệ tiên tiến, phòng xét nghiệm dịch bệnh, vận hành mô hình nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao trong nhà màng…
Đây là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh trong lĩnh vực thủy sản. Hiện, đơn vị cung cấp 1,4 tỷ con giống tôm mỗi năm cho địa bàn Quảng Ninh và miền Bắc.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thủy sản Việt Úc - Quảng Ninh, cho biết: Phát huy vai trò hạt nhân trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thủy sản, đơn vị đang nghiên cứu mã gen, lai tạo tôm bố mẹ, sản xuất giống tôm thẻ chân trắng mang những đặc tính ưu việt, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và khí hậu của Quảng Ninh.
Cùng với đó, đơn vị phối hợp với huyện Đầm Hà tìm hiểu, tham quan, nghiên cứu sản xuất một số loại giống nhuyễn thể phù hợp với lợi thế của địa phương, phục vụ cho việc phát triển thủy sản, gia tăng giá trị ngành nông nghiệp, như: Ngán, hàu, bào ngư...
Ở lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn huyện có một số mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, điển hình: Mô hình sản xuất liên kết gà bản Đầm Hà của HTX Tuyền Hiền. Đơn vị đã đầu tư hệ thống chuồng lạnh, nhà ấp, chuồng úm... để nuôi gà bố mẹ; áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trong sản xuất giống.
Hiện, HTX cung cấp ra thị trường từ 200.000-250.000 con giống gà bản Đầm Hà mỗi năm. Đồng thời, liên kết với trên 80 hộ nuôi gà bản trên địa bàn huyện để chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng hữu cơ, tạo công ăn việc làm cho lao động, cung cấp ổn định từ 200.000-250.000 con mỗi năm.
Được biết, huyện Đầm Hà - Quảng Ninh là huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để hỗ trợ các doanh nghiệp đưa ứng dụng công nghệ vào sản xuất, huyện cũng đang phối hợp với đơn vị liên quan, hoàn thiện đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Đầm Hà với quy mô 399,6ha, tổng mức đầu tư trên 4.071 tỷ đồng. Và đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa Đầm Hà, quy mô 350ha, tổng vốn đầu tư trên 3.304 tỷ đồng báo cáo, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Các đề án sau khi được phê duyệt sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Trần Anh Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, cho biết: Để trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện đề xuất UBND tỉnh và các sở, ngành sớm báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm cơ sở thu hút doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai chính sách hỗ trợ dự án phát triển sản xuất; tạo điều kiện thực hiện mô hình chuyển giao khoa học nhằm nhân rộng sản xuất.
Vươn ra thế giới
Những năm qua, tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh, tỉnh Quảng Ninh tăng cường giải pháp thu hút đầu tư vào nông nghiệp, phát triển vùng sản xuất tập trung, từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông hộ manh mún, nhỏ lẻ và mạnh dạn áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất, chế biến không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà còn hướng tới xuất khẩu.
Tận dụng ưu thế về hạ tầng giao thông và vùng nuôi trồng thủy sản, Công ty CP SEAGOLD đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà xưởng hiện đại trên diện tích 1600m2 tại xã Tân lập - Đầm Hà. Với định hướng từ sớm về việc sớm tìm đầu ra cho sản phẩm tại thị trường nước ngoài, đơn vị đã áp dụng quy trình sản xuất khép kín HACCP, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó, nguồn hàu tươi thường xuyên được giám sát về chất lượng, từ chất lượng nguồn nước, chất lượng con hàu… trước khi đưa vào chế biến. Đơn vị cũng áp dụng nhiều công nghệ hiện đại để giữ được độ tươi ngon của sản phẩm.
Do đó, sản phẩm ruột hàu tươi của đơn vị đã đến được với nhiều thị trường nước ngoài như: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Tahiti và được các bạn hàng đón nhận tích cực.
Ông Phạm Minh Hào - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty, chia sẻ: Gia nhập thị trường xuất khẩu lớn là "cánh cửa" tiềm năng, có tính ổn định, bền vững, đảm bảo hoạt động sản xuất cho nhà máy và người lao động, điều này cũng đồng thời đem về ngoại tệ cho đất nước. Đơn vị tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để hoàn thiện các thủ tục, tiến tới thị trường khó tính như Châu Âu.
Một tín hiệu vui khác cho ngành Nông nghiệp Quảng Ninh trong nửa đầu năm nay, đó là mô hình trồng chanh leo hữu cơ tại HTX Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang (thôn Trại Dinh, xã Đầm Hà) cũng cho kết quả tích cực.
Ông Đặng Văn Giang - Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang, cho biết: Quả chanh leo được trồng với quy trình hữu cơ, tuân thủ các quy định về ATTP trong nông nghiệp, qua đánh giá kiểm nghiệm không có 570 chất cấm trong nông nghiệp, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu sang Châu Âu.
Với tiềm năng thế mạnh về phát triển nông nghiệp, Quảng Ninh đã đề ra nhiều giải pháp, xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Địa phương hiện có nhiều tập đoàn, công ty lớn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, như: Tập đoàn Việt-Úc, Tập đoàn Mavin, Công ty CP Thực phẩm BIM, Công ty Khoa học công nghệ Lucaci, Công ty CP Funny Group JSC...
Cùng với đó, một trong những giải pháp quan trọng khác được địa phương này đẩy mạnh triển khai đó là thay đổi tư duy, phương thức của người nông dân, người làm nông nghiệp trên địa bàn. Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, người dân đã cùng nhau hình thành các hợp tác xã sản xuất và nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đã hình thành, dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu tiếp tục thành lập, phát triển nhiều khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh. Hiện nay, tại huyện Đầm Hà đã có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết người dân, quy mô tổng đàn 30.000 con, với diện tích 350ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản, quy mô 435ha.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh Để cụ thể hoá thế mạnh về nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới xuất khẩu, tỉnh cũng đang tích cực kết nối, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô đủ lớn để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.