Bất động sản

Thấy gì từ những phiên đấu giá đất "bỏng tay" tại ngoại thành Hà Nội?

Diệu Hoa 20/08/2024 11:43

Sau 19 tiếng, qua nhiều vòng đấu, giá trúng cao nhất tại phiên đấu giá đất vừa qua tại xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội) là 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần giá khởi điểm.

Phiên đấu giá đất diễn ra 19 tiếng tại Hoài Đức. Ảnh: Anh Tú
Phiên đấu giá đất diễn ra 19 tiếng tại Hoài Đức. Ảnh: Anh Tú

Giá đất trúng đấu giá khủng

Ngày 19/8, huyện Hoài Đức đã tổ chức đấu giá 19 thửa đất tại khu LK03 và LK04 xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội). Phiên đấu giá này này tiếp tục gây chú ý bởi giá khởi điểm thấp, chỉ từ 7,3 triệu đồng/m2. Diện tích của mỗi lô từ 74 - 118 m2. Khoản tiền đặt cọc tham gia đấu giá đất theo quy định, dao động từ 109 - 172 triệu đồng/lô (chiếm 20% giá lô đất, tính theo giá khởi điểm).

Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức thông tin, tính đến trước ngày đấu giá đất, đã có hơn 700 bộ hồ sơ và khoảng 400 khách hàng tham gia đấu giá.

Đáng chú ý, phiên đấu giá kéo dài đến 4h30 phút ngày 20/8, tức 19 tiếng liên tục với nhiều vòng đấu. Theo thông tin được đơn vị tổ chức công bố, trải qua 9 vòng đấu, lô đất LK03-12 có giá cao nhất lên tới 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần so với giá khởi điểm. Lô đất này có diện tích 113m2, như vậy tổng giá trị là 15 tỷ đồng.

Lô LK03-06 và LK-4-06 cao thứ 2 đạt 127,3 triệu đồng/m2. 14 lô đất khác có giá trúng từ 97,3 đến 121,3 triệu đồng/m2. Hai lô có giá trúng thấp nhất là 91,3 triệu đồng/m2, gấp 12,5 lần so với giá khởi điểm.

Sau khi trúng đấu giá, người trúng cần nộp số tiền còn lại, chậm nhất 30 ngày từ khi trúng đấu giá. Ngoài ra, người trúng còn cần thanh toán các khoản lệ phí, thuế liên quan như phí công chứng, thuế trước bạ và một số chi phí khác. Nếu không nộp tiền đúng hạn, người trúng có thể mất tiền đặt cọc và quyền sở hữu đất.

Có thể nói là sau sức nóng cuộc đấu giá đất tại Thanh Oai vừa diễn ra cách đây khoảng 10 ngày, với giá trúng cao nhất lên tới 100 triệu đồng/m2, thì buổi đấu giá tại Hoài Đức tiếp tục tạo sóng dư luận.

Tuy nhiên, so sánh tương quan về mặt bằng giá khu vực xã Tiền Yên, công cụ lịch sử giá của Batdongsan.com.vn cho thấy giá rao bán phổ biến đất nền ở xã Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội trong quý 2/2024 là 43 triệu đồng/m2. Trong vòng 1 năm qua, giá đất ở địa phương này đã tăng hơn 48%.

Lịch sử giá đất tại xã Tiên Yên thấp hơn nhiều so với giá trúng đấu giá.
Lịch sử giá đất tại xã Tiên Yên thấp hơn nhiều so với giá trúng đấu giá.

Như vậy, mặt bằng giá khởi điểm chỉ bằng 1/3 giá rao chung trên thị trường, trong khi giá đất trúng đấu giá trong phiên vừa qua vẫn cao gấp từ 2 đến 3 lần so với mặt bằng giá phổ biến.

Công cụ lịch sử giá của Batdongsan.com.vn còn cho biết giá rao bán tại các xã lân cận trong huyện Hoài Đức dao động từ 22 đến 62 triệu đồng/m2 trong quý 2/2024. Qua đây, người mua, bán, nhà đầu tư có thể so sánh, đối chiếu để có cái nhìn tổng quan hơn về thị trường.

Thấy gì từ các phiên "giá sốc"?

Trước đó Batdongsan.com.vn đã đưa ra dữ liệu, nhu cầu tìm kiếm đất nền toàn quốc trong quý 2 tăng 33% so với quý 1/2024. Tuy nhiên, đây chỉ là sự cải thiện cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc. Hà Nội chứng kiến lượng quan tâm đất nền tăng 75%.

Trong đó, mức độ quan tâm và giá tăng ở khu vực vùng ven Hà Nội nhờ yếu tố quy hoạch và hoạt động đấu giá​. Cụ thể, nửa đầu năm 2024, đất nền ở Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai ghi nhận lượt tìm kiếm tăng từ 48% - 104%, kéo theo giá rao bán đất nền tại các huyện ngoại thành này tăng từ 4% - 24% so với nửa cuối năm 2023.

Chuyên gia của Batdongsan.com.vn cho rằng kết quả đấu giá đất với mức giá cao như vậy sẽ khiến chi phí giải phóng mặt bằng cho các dự án mới trở nên đắt đỏ hơn. Với mức giá trúng đấu giá cao hơn mặt bằng chung từ 2 đến 3 lần, người dân sở hữu đất ở khu vực xung quanh có tâm lý đẩy giá bán đất của mình theo.

Mức giá đất cao đột biến cũng có thể tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, khi nhiều người đổ xô mua đất với hy vọng kiếm lợi nhuận từ việc giá đất tiếp tục tăng. Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý điều này có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị ứ đọng vào đất, thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội trong bối cảnh giá nhà tăng cao, phân khúc đất nền phân lô được nhiều người săn đón bởi vừa với túi tiền của nhiều người dân.

Tuy nhiên, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1.8 vừa qua đã cấm hoạt động phân lô bán nền ở 105 thành phố, thị xã. Việc khan hiếm nguồn cung khiến cho lượng quan tâm của người dân với những phiên đấu giá đất ven đô tăng mạnh.

Những thông tin về quy hoạch, hạ tầng cùng các quy định mới liên quan đến thị trường bất động sản cũng đang khiến giá đất nền tại một số huyện vùng ven thành phố Hà Nội “sôi động” trở lại.

Diệu Hoa