Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng giữa Việt Nam - Trung Quốc
Nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam - Trung Quốc đã được thúc đẩy trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trung Quốc.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc, nhà lãnh đạo cấp cao hai nước đã chứng kiến lễ ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng giữa hai nước.
Các thỏa thuận này là bản ghi nhớ hợp tác giữa những cơ quan, đơn vị… như bản ghi nhớ về hợp tác công nghiệp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc; Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc...
Đặc biệt, tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường cho nông sản chất lượng cao của Việt Nam, tạo điều kiện để Việt Nam sớm thành lập Tổng Lãnh sự quán tại Trùng Khánh và các văn phòng xúc tiến quy mô thương mại tại Trung Quốc, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Đồng thời, đề nghị Trung Quốc thúc đẩy các dự án đầu tư tại Việt Nam với quy mô lớn, chất lượng cao, công nghệ hiện đại; sớm triển khai thí điểm cửa khẩu thông minh; sớm xử lý dứt điểm các dự án vướng mắc, thúc đẩy nghiên cứu hợp tác trong lĩnh vực thanh toán bằng đồng bản tệ; đẩy mạnh hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện nay, phí vận tải tàu biển tăng cao, căng thẳng thương mại với Mỹ, EU khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế các doanh nghiệp châu Âu. Trong đó, Việt Nam là sự lựa chọn hàng đầu.
Trên thực tế, Trung Quốc đang xem xét các thủ tục mở cửa thị trường cho nhiều loại nông thủy sản cho Việt Nam, trong đó có trái dừa tươi, rau quả đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi… Các mặt hàng khác như dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt bò, thịt heo, sản phẩm từ gia súc, gia cầm cũng được nước láng giềng tạo điều kiện nhập khẩu.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và tiêu thụ sản phẩm nông sản lớn cho nông dân Việt Nam. Đồng thời quốc gia này đang giảm mức độ phụ thuộc, tiến tới dừng hình thức xuất khẩu tiểu ngạch và đang chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại chính ngạch. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất mặt hàng chất lượng cao vào thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực đường sắt cũng là điểm nhấn đáng chú ý. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho rằng hai nước cần kiên trì bố cục hợp tác, phát triển cùng thắng, tăng cường kết nối vận tải đường sắt giữa Việt Nam với châu Âu thông qua Trung Quốc, thúc đẩy nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, lập quy hoạch các tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết công thư về nghiên cứu tính khả thi dự án viện trợ kỹ thuật lập quy hoạch hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc gia Trung Quốc.
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có khổ đường 1.435 mm, điểm đầu tại ga Lào Cai, điểm cuối tại cảng Lạch Huyện – Hải Phòng.
Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130km, 25 hầm dài 25km, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD.
Dự báo năng lực vận tải trong dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày.
Trong khi đó, dự án đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn có vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang nghiên cứu khoản viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn từ Lạng Sơn về Hà Nội.
Trước đó, vào tháng 12, cả hai nước cho biết sẽ tăng cường hợp tác về kết nối đường sắt xuyên biên giới. Được biết, các tuyến đường sắt cũng là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu khi các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước gặp nhau.
Việc nâng cấp các tuyến đường sắt tại Việt Nam có thể thúc đẩy thương mại và đầu tư, vì ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển một số hoạt động hướng đến xuất khẩu sang Việt Nam.
Trong khuôn khố chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Việt Nam luôn coi phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc là chủ trương nhất quán, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Hai bên cũng nhất trí rằng, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn; đồng thời cùng nỗ lực thúc đẩy hơn nữa tin cậy chính trị và tin cậy kinh tế, xây dựng hiệu quả "Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược", đưa quan hệ song phương bước sang giai đoạn phát triển mới theo định hướng "6 hơn"; duy trì thường xuyên tiếp xúc cấp cao và các cấp, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội/Nhân đại, Mặt trận Tổ quốc/Chính hiệp hai nước; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực trọng yếu như: ngoại giao, quốc phòng, an ninh; thúc đẩy hợp tác thực chất thu được nhiều thành quả to lớn hơn nữa.