Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Cần làm rõ một số khái niệm
Để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật hiện hành, góp ý Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Dự thảo), nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét làm rõ một số khái niệm.
Dự thảo đang được lấy ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đối tượng áp dụng
Dự thảo được xây dựng trên cơ sở bám sát nội dung 6 chính sách đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua. Trong đó, một nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm góp ý là xác định đối tượng áp dụng Luật.
Theo đó, Luật hiện hành không quy định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Từ đó, dẫn đến các quy định về sử dụng vốn, can thiệp hành chính vào trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp còn có sự lúng túng, chưa thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Do vậy, với lần sửa đổi Luật này, cơ quan soạn thảo đã xác định đối tượng điều chỉnh tại Dự thảo là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp” thay cho quy định về đối tượng “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ”.
Sự thay đổi này nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư, Nhà nước thực sự đóng vai trò là chủ sở hữu vốn, nhà đầu tư vốn, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, đảm bảo việc phân công rõ, phân cấp mạnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không làm mở rộng thêm đối tượng quản lý so với hiện nay.
Cần làm rõ một số khái niệm
Tuy nhiên, xoay quanh quy định trên, không ít ý kiến cho rằng, về đối tượng áp dụng, cần có sự xác định rõ ràng hơn.
Góp ý hoàn thiện Dự thảo, ông Lê Anh Xuân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần phải làm rõ một số khái niệm. Cụ thể, Dự thảo đang đưa ra hai khái niệm bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp là doanh nghiệp có vốn đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp.
“Nếu xác định vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là vốn của doanh nghiệp, thì đối tượng điều chỉnh chỉ là doanh nghiệp cấp 1, chứ không thể là doanh nghiệp cấp 2, vì phần vốn trong doanh nghiệp cấp 2 là vốn doanh nghiệp nhà nước đi đầu tư vào doanh nghiệp khác”, ông Xuân bày tỏ.
Theo ông Xuân, đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp cũng phải tách gồm doanh nghiệp 100% vốn, doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, doanh nghiệp có vốn nhà nước... “Nếu không làm rõ, một số quy định về quyền của cơ quan chủ sở hữu trong quyết định, phê duyệt chủ trương một số dự án của doanh nghiệp cổ phần là không đúng. Chủ sở hữu vốn nhà nước chỉ có thể có ý kiến với đại diện chủ sở hữu, đại diện phần vốn sẽ biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị theo tỷ lệ, chứ chủ sở hữu không thể quyết định được”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Chấn Hưng nhận định, khái niệm về doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác như Dự thảo còn mang tính trừu tượng. Về bản chất, doanh nghiệp nhà nước (quy định tại khoản 11 Điều 4 và Chương IV của Luật Doanh nghiệp năm 2020) đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác là hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, không phải là hoạt động đầu tư vốn trực tiếp của nhà nước vào doanh nghiệp.
“Vì vậy, cần thống nhất về các loại hình doanh nghiệp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, đồng thời cần nghiên cứu và xác định rõ đối tượng áp dụng để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật hiện hành”, đại diện Công ty Chấn Hưng đề xuất.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo trình bày rõ những quy định tương đồng và khác nhau giữa Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp với Luật Doanh nghiệp về cùng một nội dung liên quan đến HĐTV/Chủ tịch công ty TNHH, HĐQT công ty cổ phần…