Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Phải hài hòa lợi ích
Thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ để định hướng tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng với một số mặt hàng nhưng cần phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam…
Đây là chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về 3 Dự án luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.
Theo đó, cho ý kiến về Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là luật thuế tác động tới nhiều ngành hàng, doanh nghiệp, người dân. Thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ để định hướng tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng với một số mặt hàng nhưng cần phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ, cần có chính sách để hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe con người, môi trường, nguồn tài nguyên, các hàng hóa xa xỉ, phục vụ nhu cầu cao cấp... Tuy nhiên, phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, Nhà nước không thất thu thuế; hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu hạn chế được mặt tiêu cực từ việc tiêu thụ các mặt hàng này, bảo vệ sức khỏe người dân…
Đồng thời, có chính sách thuế ưu đãi với các mặt hàng cần khuyến khích, như trong kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý, chính sách điều hành tránh giật cục, có lộ trình áp dụng phù hợp để các chủ thể liên quan có sự chuẩn bị; cắt giảm thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế, giảm phiền hà cho người nộp thuế, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế với cán bộ thuế; việc điều chỉnh thuế phải đi đôi với đẩy mạnh chống buôn lậu, trốn thuế; cơ quan soạn thảo giải trình thuyết phục về các chính sách được đề xuất.
Thực tế, thời gian qua cho thấy, đây là vấn đề được không ít các chuyên gia, doanh nghiệp góp ý với cơ quan soạn thảo khi các đề xuất chính sách tại Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng đối với sắc thuế này, tránh tạo tác động ngược.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành bia - rượu - nước giải khát, GS-TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, vấn đề quan trọng hơn tăng thuế không phải cấm tiêu dùng mà thay đổi hành vi tiêu dùng, nếu không tiêu dùng thì không có thúc đẩy sản xuất phát triển, dịch vụ kinh doanh giảm xuống, trong khi đây là nhóm đóng góp cao nhất trong tăng trưởng kinh tế, nên hệ luỵ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt tác động thế nào đến các ngành này cũng là yếu tố cần đánh giá.
“Tăng thuế, tăng giá sản phẩm, giảm tiêu dùng kéo theo dịch vụ kinh doanh ăn uống ảnh hưởng giảm, cần đánh giá kỹ. Bởi nếu tăng thuế, mà các khoản thu về giảm do doanh nghiệp khó khăn đóng thuế không cao thì không đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, quan ngại có tình trạng người dùng chuyển sang dùng hàng lậu, hàng phi chính thức khi sản phẩm chính thức tăng giá. Do đó, cần đánh giá các yếu tố định tính và định lượng để có cái nhìn toàn diện khi hoạch định chính sách. Song song với chính sách thuế, các biện pháp khác rất quan trọng để đạt mục tiêu”, GS-TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho hay, Ban soạn thảo nên phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, Hiệp hội trong việc thực hiện những khảo sát và đánh giá định lượng với số liệu cụ thể về tác động của dự thảo đối với kinh tế - xã hội Việt Nam. Việc này không chỉ giúp đưa ra các quyết định chính sách hợp lý hơn mà còn đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình triển khai chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian tới.
Theo ông Lê Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần xem xét kỹ lưỡng về sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Chúng ta cần chọn thời điểm tăng, mức tăng, và độ giãn một cách hợp lý để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành dịch vụ cũng như toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Phân tích ở ba góc độ mức tăng thuế, yếu tố thay đổi hành vi và tính công bằng, cạnh tranh, ông Lê Tuấn Anh cho rằng, về mục tiêu tăng thu, mức độ tăng thuế phải được điều chỉnh sao cho hợp lý, tránh gây ra tác động ngược lại, như việc doanh nghiệp phải phá sản.
“Bức tranh ngành đồ uống có cồn còn nhiều vấn đề, chúng tôi ủng hộ phương án lộ trình áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu bia như Bộ Tài chính đề xuất, nhưng để đạt được mục tiêu tăng thu thì phương án đưa ra chưa phù hợp”, ông Lê Tuấn Anh bày tỏ.
Đồng thời nhấn mạnh, cần tìm ra mức thuế phù hợp để đảm bảo nguồn thu ngân sách mà không làm suy yếu doanh nghiệp.
Không chỉ với ngành bia - rượu - nước giải khát, không ít các ngành hàng khác như thuốc lá, ô – tô,… cũng lo ngại về những rủi ro nếu chính sách đang đề xuất được thông qua và đi vào thực tế.
Được biết, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 tới đây và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).