Ý tưởng kinh doanh

Hành trình khởi nghiệp từ sản phẩm handmade

Hiền Linh Ngân 21/08/2024 10:10

Quyết định bỏ nghề giáo viên, chị Đỗ Thùy Linh (TP Uông Bí, Quảng Ninh) dồn hết tâm huyết khởi nghiệp từ sản phẩm đan móc, tìm hướng đi xuất khẩu, bước đầu mang lại kinh tế ổn định, tạo việc làm cho người yếu thế tại địa phương.

Hành trình gian nan…

Sau khi rời trường đại học, gắn bó với việc dạy tiếng Anh ở một THCS tại xã Thượng Yên Công. Ngoài dạy kiến thức, chị Linh cũng sử dụng thêm các giáo cụ để cô trò thực hành trong mỗi giờ học từ các sản phẩm chị đã tự đan móc sau những giờ giảng như các loại quả, con vật bằng len… Năm 2021, chị Linh quyết định mở xưởng sản xuất tại xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí với diện tích khoảng 50-60 m2.

Chị Đỗ Thùy Linh – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại L&T Crochet, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Ngay từ hồi còn là sinh viên, tôi đã có niềm đam mê đối với các sản phẩm thủ công đan móc. Tại khoa tiếng Anh, tôi cũng được tham gia rất nhiều các hoạt động cũng thầy cô, các bạn bè nước người, tôi thấy họ rất thích các sản phẩm thủ công của Việt Nam. Từ đó, trong tôi đã ấp ủ ước mơ mở một xưởng thủ công tại quê hương.”

chi-do-thuy-linh-chu-doanh-nghiep-linh-crochet.png
Chị Đỗ Thùy Linh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại L&T Crochet, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh

Để có được những sản phẩm độc đáo, chị Linh đã tự thiết kế, tính toán số mũi đan móc, cách phối màu len như thế nào để sản phẩm độc đáo nhất, đậm chất thương hiệu cá nhân.

Bà Vũ Thị Huyền - công nhân móc tại Công ty TNHH Thương mại L&T Crochet: “Tôi thấy Linh là một người rất giỏi, có những sản phẩm rất là khó, Linh tự nghĩ ra, tính toán, thiết kế. Nhiều khi chúng tôi nhìn cũng không thể tưởng tượng ra được móc như thế nào để ra được những con như vậy. Vậy mà Linh cũng tạo ra, chỉ dẫn lại cho chúng tôi để đan móc số lượng lớn.”

Tuy nhiên, doanh nghiệp non trẻ của chị Linh đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình xuất khẩu các sản phẩm sang các thị trường nước ngoài do những quy chuẩn ngặt nghèo về yêu cầu chất lượng, mẫu mã…

Chị Linh cho biết thêm, các nước Âu, Mỹ có yêu cầu rất cao đối với đồ thủ công mỹ nghệ, đồ chơi trẻ con. Các nguyên liệu như sợi len, phụ kiện gắn vào đồ móc đều bị kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho da và sức khỏe của trẻ. Nhiều sản phẩm của công ty đã bị hoàn về khiến công ty thiệt hại không nhỏ. Bên cạnh đó, họ cũng yêu cầu cao về mẫu mã, phải phù hợp với trẻ con.

Dẫu gặp nhiều khó khăn, song, chị Linh vẫn quyết tâm theo đuổi nghề này. Chị Linh đã tự tìm tòi khắp nơi, chọn lựa những nguyên liệu phù hợp nhất, đáp ứng được đòi hỏi của các nước phương Tây. Các loại len phục vụ việc đan móc đều được nhập ở các làng nghề truyền thống nổi tiếng của Việt Nam, có chất lượng cao, không sờn, không gây bụi, không ảnh hưởng tới hô hấp trẻ nhỏ. Các phụ kiện gắn trên sản phẩm cũng được lựa chọn kỹ càng, nhất là phần mắt sẽ có khuy chốt bên trong, nếu không, mắt cũng được các thợ thêu tay để đảm bảo đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ.

… làm giàu từ sợi len

Hiện, các sản phẩm làm từ len của doanh nghiệp khá đa dạng, từ các mặt hàng giày, mũ, túi, quần áo trẻ em, những chiếc lót ly, vật dụng trang trí đến những món đồ chơi là những con thú nhồi bông đủ kích thước, hình dáng và màu sắc thể hiện sự sáng tạo và khéo léo của người làm ra chúng.

Để có những sản phẩm độc đáo và mang thương hiệu riêng này, chị Linh là người tự tay thiết kế sản phẩm, tính toán số mũi đan móc và cách phối màu len như thế nào để sản phẩm được đẹp nhất.

day-lam-do-handmade.png
Chị Linh hướng dẫn mọi người thực hiện thao tác khi làm sản phẩm mới

Chị Nguyễn Vũ Thu Hòa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, chia sẻ: “Mô hình móc len xuất khẩu của chị Đỗ Thùy Linh cho sản phẩm chất lượng tốt, vừa có thể xuất khẩu, vừa tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho phụ nữ yếu thế tại địa phương. Đây là mô hình cần khuyến khích, cần được giới thiệu và được Hội Phụ nữ Việt Nam chọn là dự án khởi nghiệp tiêu biểu.

Bà Nguyễn Thị Tám - công nhân móc tại Công ty TNHH Thương mại L&T Crochet cho biết: “Chúng tôi đều đã ở độ tuổi nghỉ hưu, nhiều người làm trong xưởng cũng là những người yếu thế. Đi làm tại xưởng giúp chúng tôi vừa bớt thời gian nhàn rỗi, vừa có thêm bạn trò chuyện, vừa có kiếm thêm chút thu nhập.”

Hiện, doanh nghiệp của chị Linh tạo công ăn việc làm cho khoảng 40 lao động, với mức thu nhập trung bình từ 2-3 triệu/tháng, tùy theo số lượng sản phẩm.

Đến nay, mỗi tháng, doanh nghiệp chị Linh cũng xuất ổn định khoảng 1000-2000 sản phẩm tới các thị trường trong nước như Hội An, Quảng Ninh… Đồng thời, chị Linh cũng đã ký kết hợp tác và có nhiều đơn hàng xuất khẩu chủ yếu sang các nước khó tính như Anh, Pháp, Mỹ với số lượng đơn hàng lớn, ở thị trường Đông Nam Á đơn vị cũng có nhiều đơn hàng nhỏ lẻ.

Được biết, chị Linh đã có cơ hội gặp gỡ, giới thiệu các sản phẩm tại nhiều hội chợ quốc tế do các sở ban ngành tổ chức. Công ty TNHH Thương mại L&T Crochet kết nối với nhiều đối tác, bạn hàng quốc tế. Thông qua chương trình, nhiều bạn hàng đã nhập thử sản phẩm về bán, sau đó ký kết lâu dài.

Chị Linh chia sẻ về những dự định trong tương lai: Mình muốn các sản phẩm từ đan móc sẽ được biết đến rộng rãi hơn nữa. Đặc biệt, thông qua các sản phẩm này góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Trước mắt, tôi cũng muốn đưa sản phẩm của doanh nghiệp đăng ký thành công chứng nhận OCOP. Tôi cũng ấp ủ ước mơ tạo một làng nghề truyền thống tại xã Thượng Yên Công chuyên làm về các sản phẩm thủ công đan móc, vừa tạo ra sản phẩm, vừa tạo công ăn việc làm cho bà con.

Hiền Linh Ngân