Tháo gỡ rào cản pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng
Các doanh nghiệp đang trông chờ cơ quan quản lý nhanh chóng tháo gỡ rào cản pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng nhằm giải phóng hàng trăm nghìn tỷ đang tồn đọng trên thị trường hiện nay.
Thực trạng khó khăn
Theo Bộ Xây dựng, quý 2/2024 thị trường bất động sản nghỉ dưỡng để bán vẫn tiếp tục duy trì trạng thái trầm lắng và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Trong đó, phân khúc condotel và shophouse được cho là chịu nhiều áp lực nhất. Qua khảo sát từ các trang mua bán bất động sản cho thấy, các dự án đang được rao bán cắt lỗ từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng chủ yếu đến từ phân khúc condotel, nằm ở một số khu vực như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang…
Cũng theo báo cáo từ DKRA Group, trong quý 2/2024 thị trường bất động sản nghỉ dưỡng còn ảm đạm khi loại hình nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng chỉ ghi nhận khoảng 3.066 căn mở bán, tiêu thụ vỏn vẹn 20 căn, tương đương 1% trên nguồn cung mới.
DKRA Group cho biết, mặc dù giá bán sơ cấp có xu hướng đi ngang nhưng giá sang nhượng giảm sâu, trung bình giảm 15 - 20% so với giá hợp đồng. Thậm chí có những dự án đã giảm đến 40 - 50% vẫn khó bán.
Ông Võ Hồng Thắng - Phó tổng giám đốc DKRA Group nhận định, thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng đang ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua. Lượng tiêu thụ giảm từ 60 - 69% so với cùng kỳ, phần lớn tập trung ở những dự án có mức giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn. Có thể thấy, thị trường này sẽ khó có khả năng tăng giá ngắn hạn.
Cần rút ra bài học
Bên cạnh sự suy thoái chung của thị trường bất động sản, việc ồ ạt xây dựng và phát triển các loại hình nghỉ dưỡng mới như condotel hay shophouse cũng được cho là nguyên nhân dẫn tới việc nhiều nhà đầu tư phải cắt lỗ.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS chia sẻ, thời gian qua nhiều chủ đầu tư đã buộc phải chuyển đổi condotel sang căn hộ chung cư để ở như Đà Nẵng là ví dụ. Đây được xem như giải pháp tình thế trước sự phát triển ồ ạt của loại hình này. Thậm chí, sản phẩm shophouse còn khó khăn hơn để có thể chuyển đổi.
“Trong phát triển cấu trúc hạ tầng của ngành kinh tế du lịch, condotel hay shophouse là cần thiết, tuy nhiên, tại nhiều địa phương, chủ đầu tư ồ ạt làm những dự án mà không chú trọng đến hệ thống hạ tầng du lịch, trong khi rầm rộ quảng cáo là đầu tư bất động sản sinh lời. Đây là một hệ lụy rất lớn với gây mất niềm tin của nhà đầu tư”, ông Đính nói.
Nhận định về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại phân khúc shophouse và condotel, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC chia sẻ: “Có thể nói rằng nếu một sản phẩm không được hoạch định kỹ lưỡng, phát triển chỉn chu thì sản phẩm đó cũng không thể hoạt động hiệu quả, dù có được phát triển tại bất kỳ thị trường nào”.
Theo vị giám đốc, một số thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á cũng từng chứng kiến giai đoạn phát triển “nóng” của các sản phẩm loại này, chẳng hạn như Indonesia trong những năm 2008. Việt Nam cũng ghi nhận trung bình 12.000 sản phẩm loại này mở bán mỗi năm từ 2016 - 2019. Tuy nhiên, dịch Covid-19 và kinh tế suy thoái sau đó đã khiến ngành du lịch và nhà hàng khách sạn lao đao. Cùng với đó, khó khăn pháp lý liên quan tới các loại hình condotel và shophouse tiếp tục là sức ép đè nặng lên chủ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân trong giai đoạn này.
Bởi vậy, theo đề xuất của các chuyên gia, giải pháp trước mắt của Việt Nam là tìm cách thu hút khách du lịch, giảm giá bán... để hạn chế nguy cơ đổ vỡ. Về lâu dài cần nhanh chóng tháo gỡ rào cản pháp lý cho condotel, shophouse hay officetel.