Doanh nghiệp

Kỳ vọng từ việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng cấp đông

Thy Hằng 21/08/2024 02:02

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ có thêm nhiều hướng phân phối, đa dạng thị trường, đa phương thức chế biến, thu hút được nhiều dự án đầu tư hấp dẫn cũng như logistics thuận lợi hơn.

Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vừa ký nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là thông tin vui đối với xuất khẩu sầu riêng trong nước. Khi sầu riêng đông lạnh được "mở cửa" vào thị trường Trung Quốc, dự báo, xuất khẩu mặt hàng sầu riêng nói chung có thể lên đến 3,5 tỷ USD trong năm nay.

Bản sao sau-rieng-dong-lanh-duoc-cap-phep-sang-trung-quoc-144628_932-145430
Khi sầu riêng đông lạnh được "mở cửa" vào thị trường Trung Quốc, dự báo, xuất khẩu mặt hàng sầu riêng nói chung có thể lên đến 3,5 tỷ USD trong năm nay.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, dẫn số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc đạt 833,67 nghìn tấn, trị giá gần 3,97 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

6 tháng đầu năm 2024, giá bình quân nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc đạt mức 4.760 USD/tấn, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá bình quân nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc từ Việt Nam và Malaysia giảm, nhưng từ Thái Lan tăng.

Thái Lan là nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm, đạt 558,3 nghìn tấn, trị giá 2,85 tỷ USD, giảm 7,1% về lượng và giảm 5,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần sầu riêng của Thái Lan trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 76,21% trong 6 tháng đầu năm 2023 xuống còn 66,97% trong 6 tháng đầu năm 2024.

Ngược lại, 6 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc tăng nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam, tăng 46,3% về lượng và tăng 33,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 273,54 nghìn tấn, trị giá 1,11 tỷ USD.

Thị phần sầu riêng của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 23,73% trong 6 tháng đầu năm 2023 lên 32,81% trong 6 tháng đầu năm 2024. Ngành hàng rau quả Việt Nam cũng kỳ vọng nhiều vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của trái sầu riêng trong các tháng còn lại năm nay.

Tuy nhiên, Thái Lan lại có lợi thế về mặt hàng sầu riêng đông lạnh nguyên trái và sản phẩm đông lạnh tách múi. Vì thế, việc Việt Nam ký được nghị định thư với Trung Quốc chính thức mở cửa cho mặt hàng sầu riêng đông lạnh sẽ tạo cơ hội để ngành hàng nâng cao giá trí, tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất sản phẩm tươi, giúp kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này đột phá.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group chia sẻ: “Đây là tin rất vui đối với hàng nông sản của Việt Nam. Kể từ khi chúng ta mở cửa thị trường Trung Quốc với trái sầu riêng tươi, đến nay kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung, sầu riêng nói riêng luôn tăng vượt bậc. Bây giờ thêm mặt hàng sầu riêng đông lạnh cũng được xuất khẩu sang thị trường này thì dự kiến sẽ đóng góp thêm 400-500 triệu USD trong kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay”.

Sầu riêng đông lạnh, bao gồm sầu riêng nguyên quả, cơm sầu riêng (không vỏ) là sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi. Việc mở cửa thị trường cho sản phẩm này sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng. Trung bình 3 kg sầu riêng tươi (nguyên quả) mới cho ra 1 kg sầu riêng đông lạnh (cơm sầu riêng).

Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu cho rằng, việc xuất khẩu hàng cấp đông sang thị trường Trung Quốc được các doanh nghiệp chờ đợi từ nhiều năm nay.

Theo bà Vy, việc hai nước ký nghị định thư là tính hiệu vui không chỉ cho ngành hàng sầu riêng mà của nhiều loại trái cây khác. "Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu. Để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh doanh nghiệp đã chuẩn bị từ rất lâu. Doanh nghiệp đã đầu tư kho xưởng và đạt được các chứng nhận để xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Việc xuất khẩu cấp đông sẽ đóng góp lớn cho ngành hàng. Cụ thể tỷ lệ đóng góp cho ngành sầu riêng tăng khoảng 20%”, bà Tường Vy nói thêm.

Cùng niềm vui này, bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ban Mê Green Farm, doanh nghiệp chuyên làm về sầu riêng đông lạnh cũng bày tỏ niềm vui khi mặt hàng này đã mở cửa được thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, Việt Nam có lợi thế về giống sầu riêng phù hợp với công nghệ cấp đông, như Ri6, Monthong, với sản lượng tương đối lớn, trồng được ở nhiều vùng, thời điểm cung cấp gần như quanh năm.

Ưu điểm của sầu riêng đông lạnh là tiêu chuẩn hàng hóa thấp hơn so với trái tươi, không cần màu sắc vỏ trái, quan trọng là chất lượng bên trong. Do đó, người sản xuất phải đảm bảo sầu riêng chín trước khi đưa vào đông lạnh. Hơn nữa, quá trình vận chuyển sầu riêng đông lạnh cũng dễ dàng và thời gian bảo quản sản phẩm được lâu.

Lần này, việc Trung Quốc chính thức ký Nghị định thư để sầu riêng đông lạnh của Việt Nam thuận đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, loại trái cây “vua” sẽ càng gia tăng sức mạnh, đa dạng hóa mặt hàng sầu riêng.

Bên cạnh đó, khi cấp đông sản phẩm, các doanh nghiệp sẽ tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu. Nghĩa là, sầu riêng đông lạnh chú trọng chất lượng cơm, không đòi hỏi về mẫu mã bên ngoài như hàng tươi. Như vậy, với những trái không đạt yêu cầu về mẫu mã hoặc kích thước, các doanh nghiệp có thể tách lấy múi cấp đông, dễ dàng tiêu thụ được hết sản lượng sầu riêng sản xuất ra.

Chủ tịch của Ban Mê Green cho biết, việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ giúp hạn chế sinh vật gây hại vào nước nhập khẩu và giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường rác thải trong quá trình xử lý vỏ sầu riêng. Đây chính là hướng đi lâu dài cho ngành hàng sầu riêng.

Doanh nghiệp nhận định, dự kiến mặt hàng này sẽ sớm góp mặt trong danh sách mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị tỷ USD ngay trong năm 2025.

Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk nhận định, xuất khẩu cấp đông sẽ có thêm nhiều hướng phân phối, đa dạng thị trường, đa phương thức chế biến, thu hút được nhiều dự án đầu tư hấp dẫn cũng như thực hiện kết nối logistics ra bên ngoài thuận lợi hơn. Do đó, nếu chuyển sang xử lý sầu riêng cấp đông, phục vụ các yêu cầu chế biến chuyên sâu, không còn bị lệ thuộc thời gian mùa vụ, sầu riêng Việt Nam lại càng có ưu thế cạnh tranh với thị trường các nước.

sau_rieng_thien_sa_34_82f11ddf8e924e75af590e6d626829ab_grande.jpg
Sầu riêng đông lạnh dự kiến sẽ đóng góp thêm 400-500 triệu USD trong kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay.

Thống kê năm 2023, Việt Nam có khoảng 110 ngàn ha trồng sầu riêng, sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn (gấp hơn 2 lần cả về diện tích và sản lượng so với năm 2018), trong đó xuất khẩu trên 600 ngàn tấn và thu về khoảng 2,2 tỉ USD. Năm 2024, diện tích trồng sầu riêng tăng lên khoảng 150 ngàn ha, sản lượng dự kiến sẽ đạt 1,5 triệu tấn.

Với Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới, Việt Nam còn có thêm lợi thế về thời gian vận chuyển nhanh hơn nên giá thành cạnh tranh hơn so với một số nước khác. Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường 1,4 tỉ dân này chỉ sau chưa đầy hai năm gia nhập.

Cụ thể, năm 2022, kể từ khi Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc có hiệu lực, xuất khẩu sầu riêng đạt 421 triệu USD, tăng gần 137% so với năm 2021.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2,2 tỉ USD, tăng 5 lần so với 2022. 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đã đạt 1,8 tỉ USD.

Tuy nhiên, trở ngại hiện nay là kỹ thuật cấp đông sầu riêng vẫn còn nhiều khó khăn và chi phí cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư vốn lớn. May mắn thị trường Trung Quốc ở sát Việt Nam nên chi phí vận chuyển sẽ thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác.

“Khi có thông tin Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán về việc ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, chúng tôi đã tiến hành xây dựng kho xưởng, làm hồ sơ cấp mã. Dự kiến năm nay, kho cấp đông của doanh nghiệp sẽ bóc múi gần 10.000 tấn”, bà Thanh cho hay.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc HTX xuất nhập khẩu G1, để chuẩn bị cho xuất khẩu sầu riêng cấp đông, đơn vị đã đầu tư 4 kho đông lạnh với diện tích 5.000m2, trữ lượng hàng mỗi ngày có thể đạt công suất 18 tấn.

Theo bà Hương, việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng cấp đông sẽ giúp HTX có thể sử dụng những quả sầu riêng không đạt tiêu chuẩn để bóc múi cấp đông. Hiện nay xuất khẩu quả tươi sang thị trường Trung Quốc đang được kiểm soát chặt nên sản phẩm cấp đông sẽ dễ dàng quản lý hơn.

Thy Hằng