Chính sách ổn định và bao trùm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn sẽ lan toả rộng rãi hơn khi có những chính sách bao trùm, nhất quán và dài hạn tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia.
Đây là kiến nghị, đề xuất được các doanh nhân đã nhiều năm lăn lộn thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn ở lĩnh vực nông nghiệp chia sẻ tại đối thoại chính sách mới được tổ chức.
Từ quá trình tổ chức thực hiện tại doanh nghiệp, ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty CP T&T 159 cho rằng, cần thống nhất nhận thức về kinh tế tuần hoàn là kết quả của các hoạt động sản xuất tuần hoàn, dịch vụ tuần hoàn. Các mô hình kinh tế tuần hoàn không bị giới hạn bởi khuôn mẫu nào cả mà tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của doanh nghiệp.
Thực hiện kinh tế tuần hoàn, theo ông Hà Văn Thắng mang lại hiệu quả hơn kinh tế tuyến tính, trước hết đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và đóng góp vào việc bảo vệ môi trường. Song, muốn làm được như vậy, doanh nghiệp phải vận dụng một cách sáng tạo các thành tựu, tiến bộ của khoa học công nghệ.
Kinh tế tuần hoàn là câu chuyện thay đổi mô hình sản xuất của doanh nghiệp, đòi hỏi yêu cầu đổi mới sáng tạo rất lớn chứ không phải dựa trên cách tiếp cận đơn giản. Chẳng hạn như việc thu gom rơm rạ, để bà con thực hiện đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao so với các công việc khác, không còn con đường nào khác phải có công cụ, máy móc thu gom, xử lý.
Kinh tế tuần hoàn vì thế liên quan đến nhiều vấn đề liên kết, phối hợp xây dựng hệ sinh thái, “phân vai” trong chuỗi giá trị... Đây là các nội dung các doanh nghiệp nông nghiệp đang rất quan tâm bởi kinh tế tuần hoàn hiện đang được xác định là con đường tất yếu trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng, vướng mắc nhất trong thực hiện là cơ chế, chính sách. Không chỉ dừng lại ở sự khuyến khích, động viên, đã đến lúc cần có khuôn khổ pháp lý cho vấn đề liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ, đến đổi mới sáng tạo và các mô hình kinh doanh thử nghiệm từ ý tưởng mới. Chỉ khi giải quyết được vướng mắc về chính sách, kinh tế tuần hoàn mới đi vào thực tế và lan toả rộng rãi.
Trong khi đó, một số cơ chế, chính sách hiện hành chưa tạo động lực cho doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn. “Chẳng hạn như chính sách thuế, doanh nghiệp chăn nuôi làm đệm sinh học giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng chỉ thêm chữ “sinh học” mất 10% VAT dù đó là từ phế phụ phẩm của nông nghiệp” - ông Hà Văn Thắng cho biết.
Đồng quan điểm, bà Lê Hoài Thương - đại diện tiểu ban Tăng trưởng xanh của Eurocharm tại Việt Nam cũng kiến nghị nội dung quan trọng đầu tiên để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn là cơ chế, chính sách đảm bảo bao trùm, nhất quán, dài hạn và có thể dự báo. Với doanh nghiệp, gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh là nguồn lực đầu tư và những quyết định dài hạn. Trong kinh tế tuần hoàn, theo đại diện tiểu ban Tăng trưởng xanh của Eurocharm, doanh nghiệp quyết định đầu tư từ 5 - 10 năm để mang lại hiệu quả cho các bên tham gia, từ người nông dân, nhà sản xuất đến người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, khi nói đến phát triển kinh tế tuần hoàn hiệu quả là nói đến việc thúc đẩy ứng dụng nghiên cứu vào thực tế. Doanh nghiệp đóng vai trò kết nối các nhà khoa học, kết nối nhu cầu tiêu dùng bền vững, kết nối người nông dân - trọng tâm tiếp cận nông nghiệp bền vững bởi cuối cùng, nhà nông là nhân tố thực hành nông nghiệp tuần hoàn.
Các doanh nghiệp thành viên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Eurocharm đã có nhiều thực hành để phát triển chuỗi ở các ngành nghề khác nhau để tạo thành vòng tuần hoàn nông nghiệp, mang lại lợi ích cho các bên tham gia. Từ góc độ doanh nghiệp, bà Lê Hoài Thương cho rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cần được mở rộng biên giới giao thoa giữa nông nghiệp với các ngành phụ trợ, với công nghiệp, với logistic và thương mại.
Kinh tế tuần hoàn không chỉ ứng dụng trong các trang trại mà còn trong nhà máy sản xuất, trong chuỗi cung ứng. Các chính sách, cơ chế cho kinh tế tuần hoàn, theo bà Lê Hoài Thương cần được nhìn ở góc độ rộng như vậy mới đảm bảo công bằng, khuyến khích và tạo động lực để doanh nghiệp tham gia chuỗi từ trang trại đến bàn ăn.