Kinh tế địa phương

Quảng Ninh: Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững

Minh Huệ 21/08/2024 08:34

Hiện nay, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp còn rất nhiều dư địa để bứt phá. Vì vậy, việc thu hút này đang trở thành nòng cốt giúp nông nghiệp hướng đến sản xuất bền vững.

Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển

Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, tỉnh Quảng Ninh đã và đang phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên cùng với những chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư của tỉnh để xây dựng, phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Các doanh nghiệp đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản, đóng vai trò là “cầu nối" giúp nền nông nghiệp hướng đến sản xuất bền vững.

Công ty cổ phần Thông Quảng Ninh, TP Uông Bí là doanh nghiệp chuyên chế biến, xuất khẩu nhựa thông và các sản phẩm khác từ nhựa thông như tùng hương, keo nhựa thông. Tổng sản phẩm từ tùng hương và chế biến từ nhựa thông của công ty mỗi năm trên dưới 20 nghìn tấn, chiếm khoảng 70% thị phần toàn quốc. Để nâng cao giá trị sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, công ty cũng thường xuyên nâng cao chất lượng công nghệ sản xuất, thay đổi máy móc, thiết bị theo công nghệ mới.

2(2).jpg
Quy trình chế biến hàu đạt tiêu chuẩn HACCP của Công ty CP SEAGOLD tại huyện Đầm Hà

Hầu hết các sản phẩm của doanh nghiệp đang có mặt tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Từ đặc thù sản xuất của mình, trong nhiều năm qua, Công ty cổ phần Thông Quảng Ninh đã hỗ trợ người dân nhân rộng diện tích cây thông, các hạng mục hỗ trợ là về giống, quy trình kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây trong 3 năm ban đầu.

Đồng thời, công ty cam kết thu mua về sản lượng sau thu hoạch theo giá thị trường. Tính đến thời điểm này, hàng ngàn ha rừng thông trên toàn tỉnh đã được hình thành, hỗ trợ về giống cây trồng từ vốn của Công ty cổ phần Thông Quảng Ninh. Trong đó, trên 1.600 ha rừng thông được trồng giai đoạn 2015-2018 đến nay đang phát triển rất tốt, một số rừng đang trong độ tuổi cận trưởng thành, có thể cho khai thác trong thời gian tới.

Ông Trần Việt Hùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thông Quảng Ninh, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh: Năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Uông Bí cũng đã phê duyệt chủ trương quy hoạch dự án mở rộng nhà máy chế biến và sản xuất nhựa thông, với diện tích mở rộng trên 2 ha. Sau khi dự án triển khai sẽ tiến hành đầu tư lắp đặt một thiết bị công nghệ cao, chiết xuất các dẫn xuất từ tùng hương và tinh dầu thông nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, dự án đã chuyển sang giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để xin giao đất từ UBND tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi đã tiến hành đầu tư các hạng mục tiếp theo của dự án.

Từ việc khai thác thế mạnh sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn đầu cơ sở hạ tầng để phát triển chế bến sâu, hình thành liên kết sản xuất, nâng cao giá trị cho nông sản tiêu biểu như Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến Dược liệu Đông Bắc TP Cẩm Phả. Nhận thấy Quảng Ninh có tiềm năng về trồng dược liệu, doanh nghiệp đã đầu tư 12 ha vùng trồng dược liệu tại xã Cộng Hòa. Để các sản phẩm từ cây dược liệu đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nước ngoài.

Công ty tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư, trang bị máy móc và xây dựng các chiến lược kinh doanh lâu dài. Năm 2020, công ty đã đầu tư để xây mới, cải tạo và nâng cấp nhà máy đạt chuẩn CMP WHO với phòng nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm, nhà sấy, máy đóng gói quy mô lớn trên diện tích 500 m2.

Hiện doanh nghiệp đang có hơn 40 sản phẩm được chế biến từ các loại dược liệu đương quy, ngải mọi, thìa canh, cổ lam. Trong đó có 2 sản phẩm được đề cử 5 sao, 14 sản phẩm đã được xếp loại 4 sao, còn lại 3 sao. Doanh nghiệp cũng đang liên kết với các HTX và hộ dân để từng bước mở rộng vùng trồng dược liệu, nâng tầm cho dược liệu Việt.

Ông Phạm Việt Trung – Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến Dược liệu Đông Bắc TP Cẩm Phả cho biết: 2 năm vừa rồi tiêu thụ cũng rất là khó khăn thành ra các vùng nguyên liệu của chúng tôi cũng bị co hẹp lại.

Cho đến ngày hôm nay, chúng tôi còn ký hợp đồng với 3 HTX và một số hộ dân của xã Cộng Hòa, họ trồng cây dược liệu sau đó bán cho chúng tôi. Chúng tôi cũng đang cần liên doanh, liên kết với các hộ nông dân thuộc các địa phương trong tỉnh.

Chính vì vậy, chúng tôi cũng làm công văn lên hội Nông dân tỉnh, đề nghị giúp đỡ cho Công ty Dược liệu Đông Bắc được tiếp cận với các chi hội Nông dân của các địa phương. Nếu như địa phương nào có thể trồng được cây nào thích hợp, chúng tôi sẽ đầu tư vào đấy để phát triển nguồn nguyên liệu, để đáp ứng được các hợp đồng sắp tới của chúng tôi.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Với tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua chế biến và kết nối tiêu thụ nông sản.

3(2).jpg
Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Thời gian qua, với những cơ chế, chính sách đặc thù cùng sự tích cực của các cấp các ngành trong đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện trên địa bàn tỉnh đã thu hút được nhiều dự án của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Tổng số vốn đăng ký đầu tư gần chục nghìn tỷ đồng, trong đó có những dự án lớn có hàm lượng công nghệ cao của nhiều nhà đầu tư chiến lược như Tập đoàn VinGroup, Công ty cổ phần Thủy sản Việt Úc, Công ty TNHH Phú Lâm, Công ty Bim Hạ Long. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cũng nhanh nhạy, nắm bắt định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương để phát triển bền vững.

Nhận thấy tiềm năng giá trị của con hàu cửa công. Năm 2021, ông Nguyễn Văn Cường - Tổng Giám đốc Công ty Thủy Hải sản Tất Thành đã đầu tư diện tích và hệ thống nhà xưởng để nuôi, chế biến hàu hướng tới mục tiêu đưa sản phẩm này xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Việc áp dụng các công nghệ hiện đại cũng dược doanh nghiệp này đặc biệt chú trọng nhằm gia tăng hiệu suất lao động và giá trị cho sản phẩm.

Hiện doanh nghiệp đang có các thiết bị tiên tiến như máy đục, xâu vỏ hàu tự động có thể thay thế cho 8 – 10 nhân công lao động, hệ thống sục khử khuẩn ruột hàu diệt vi khuẩn Ecoli và tách kim loại nặng hay như máy đóng gói công nghệ Mac đảm bảo cho sản phẩm có thể tươi ngon trong 7 ngày.

Đến nay sau gần 3 năm hoạt động, doanh nghiệp đã đang dần khẳng định chỗ đứng của mình tại các thị trường quốc tế như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia với sản lượng từ 50-100 tấn hàu vỏ và 10 tấn hàu ruột mỗi tháng. Sự lớn mạnh của doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của địa phương. Hiện, doanh nghiệp đang tạo công việc ổn định cho khoảng 30-40 lao động thường xuyên và thời vụ.

Anh Nguyễn Văn Cường – Tổng Giám đốc Công ty Thủy Hải sản Tất Thành: Chúng tôi luôn luôn đặt mục tiêu về bảo vệ môi trường rất quan trọng, cần thiết. Doanh nghiệp chúng tôi đã thay thế hết toàn bộ phao xốp thành các phao HTPE theo đúng tiêu chuẩn của UBND tỉnh. Ngoài ra, chúng tôi cũng làm các công tác bảo vệ môi trường rất quy chuẩn.

Có thể thấy, doanh nghiệp nông nghiệp đang dần khẳng định vai trò nòng cốt trong chuỗi giá trị trong tất cả các ngành hàng nông sản. Thực tế cũng cho thấy, với tiềm năng của Quảng Ninh, dư địa cho nông nghiệp vẫn còn nhiều.

Tuy nhiên, để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể, thiết thực, cơ chế chính sách về đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường quản lý rủi ro, hỗ trợ chuyển đổi số, đào tạo cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, quy hoạch các vùng đất sản xuất nông nghiệp, nguyên liệu ổn định, đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp gia tăng quy mô, số lượng và phát triển bền vững.

Minh Huệ