Nhức nhối vi phạm về xuất xứ hàng hóa: Đâu là giải pháp trong thời gian tới?
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, liên quan đến lĩnh vực ngành Công Thương, báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, tình trạng vi phạm về xuất xứ hàng hóa vẫn còn nhức nhối…
Theo đó, báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Báo cáo ý kiến của Ban Dân nguyện về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023, tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21/8, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Bùi Văn Cường cho biết, về kết quả đạt được, đối với lĩnh vực Công Thương, nhiều đề án về bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng được phê duyệt. Giá xăng dầu trong nước đã cơ bản bám sát giá thế giới; nguồn cung xăng, dầu cơ bản được bảo đảm. Đã tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa nhập khẩu; chống: nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng.
Hệ thống cơ sở dữ liệu trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử được xây dựng. Thực hiện hiệu quả việc cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu quan trọng và một số thị trường mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong lĩnh vực này.
Cụ thể, đối với lĩnh vực Công Thương, hiệu quả công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn; tình trạng hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, có hệ thống; một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm.
Chưa có kho dự trữ quốc gia riêng về xăng dầu. Kim ngạch xuất khẩu chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn…
Liên quan đến vấn đề đã nêu, tại phiên chất vấn, dẫn lại Báo cáo của Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Bùi Văn Cường, đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết giải pháp về chế tài xử phạt như thế nào để đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm về xuất xứ hàng hóa và lộ trình thực hiện ra sao?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong kinh tế thị trường, việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng là rất quan trọng, nhất là trong môi tường thương mại điện tử.
Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã tham mưu cấp có thẩm quyền để ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng này, điển hình là tham mưu ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đề án chống hàng giả, kém chất lượng, sửa đổi, bổ sung những quy định xử phạt trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử.
Đồng thời, triển khai cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin qua Cổng thông tin quản lý thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – đây là Cổng điện tử quốc gia tại Cục Thương mại điện tử, kinh tế số (Bộ Công Thương).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, ngoài những giải pháp đã nêu, các cơ quan trực thuộc cũng đã phối hợp tốt với các lực lượng trong phòng chống gian lận thương mại của các địa phương, yêu cầu các website rà soát để ngăn chặn, bóc gỡ hàng ngàn gian hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường hơn nữa truyền thông để hướng dẫn người tiêu dùng. Xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan (công an, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng)…
“Với những biện pháp đó đã xử lý hàng chục nghìn trường hợp vi phạm và thu về ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng liên quan đến hành vi vi phạm gian lận thương mại”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để xử phạt những hành vi vi phạm trong thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng mà Chính phủ đã ban hành;
Tăng cường tốt hơn việc xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có liên quan (gồm Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước) để xử lý chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và chống thất thu thuế; nâng cao hiệu quả Cổng thông tin điện tử tiếp nhận và xử lý thông tin về vi phạm gian lận thương mại; đẩy mạnh công tác truyền thông để người tiêu dùng nâng cao hiểu biết và tự bảo vệ mình…