Hạ tầng giao thông tốt tạo tiền đề cho Đắk Lắk phát triển
Với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được phê duyệt đầu tư, tỉnh Đắk Lắk sẽ có nhiều cơ hội để phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Đắk Lắk cho hay đầu tư hạ tầng sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển hơn nữa trong tương lai.
Xin ông cho biết, thời gian qua Sở đã tham mưu, thực hiện các giải pháp, hoạt động nào trong công tác quản lý nhằm tạo thuận lợi cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của địa phương?
Về vấn đề này, thời gian qua Sở đã tổ chức quản lý, bảo trì tốt 03 Quốc lộ được Cục Đường bộ Việt Nam ủy thác quản lý và các tỉnh lộ, đảm bảo giao thông, không phát sinh lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, chủ động phòng chống và khắc phục nhanh hậu quả lụt bão. Đồng thời, phối hợp kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bằng nhiều hình thức, nhiều nguồn vốn như nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn doanh nghiệp, nhà đầu tư và nguồn lực từ nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Song song là phối hợp tham mưu hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật đầu tư công.
Ngoài ra, công tác cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới cũng được triển khai, công nhận và phát triển mạng lưới đường bộ. Nâng số đường tỉnh lên khoảng 900km, đường huyện lên khoảng 1.825km, đường xã lên khoảng 3.580km. Ngoài ra cũng xây dựng đường gom khoảng 80km, cơ bản hoàn chỉnh mạng lưới giao thông nông thôn đạt chỉ tiêu nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100% đường xã,...
Cùng với đó là hoàn thành xây dựng các cầu lớn trên địa bàn tỉnh, đảm bảo quy mô vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực, thay thế các cầu nhỏ, ngầm, tràn tạm trên các tuyến đường tỉnh. Tổ chức quản lý, bảo trì tốt 03 Quốc lộ và 11 tỉnh lộ thuộc phạm vi quản lý tài nguyên của địa phương, đảm bảo giao thông, không phát sinh lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Tham mưu, kiến nghị Bộ GTVT tăng cường nguồn vốn bảo trì đường bộ cho hệ thống quốc lộ và tỉnh lộ và hệ thống đường giao thông nông thôn nhằm hạn chế xuống cấp của mạng lưới đường bộ,...
Được biết, công tác CCHC của Sở cũng đạt nhiều kết quả ấn tượng, vậy cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận như thế nào về những thay đổi của ngành, thưa ông?
Sở GTVT luôn xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của ngành và của tỉnh. Xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là khâu quan trọng trong công tác CCHC, Sở thường xuyên triển khai rà soát để tham mưu trình UBND tỉnh công bố bãi bỏ và bổ sung một số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.
Cụ thể, Sở đang thực hiện 96 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại Sở được công bố trên hệ thống dịch vụ công của tình (iGate); trong đó có 05 TTHC lĩnh vực Thanh tra về khiếu nại, tố cáo.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh đã ban hành 06 Quyết định về việc công bố Danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GTVT. Tất cả các TTHC này đều thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, qua đây góp phần đẩy mạnh CCHC, rà soát, đơn giản hoá các thủ tục, tạo mọi thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Theo đánh giá, cơ bản khi người dân và doanh nghiệp đến giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đều hài lòng với cách thức tiếp nhận và xử lý, trả kết quả của Sở GTVT. Trong năm 2023, không có phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức nào về giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của Sở.
Doanh nghiệp cũng đã ghi nhận địa phương có những “đột phá” trong phát triển hạ tầng giao thông tại tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua, xin ông chia sẻ thêm về những kết quả đạt được?
Có thể kể đến các dự án quan trọng đã được phê duyệt chủ trương và triển khai thực hiện trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 như tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Đông TP. Buôn Ma Thuột, đường Trường Sơn Đông và dự án cải tạo nâng cấp các tỉnh lộ 1 – 2 – 3 – 9 – 12 – 13 và Quốc lộ 29,...
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Quyết định phê duyệt quy hoạch nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh giúp đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải miền Trung. Cụ thể là 05 tuyến cao tốc gồm (1) Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đã được khởi công vào ngày 18/6/2023; (2) Tuyến cao tốc Pleiku (Gia Lai) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), tiến trình đầu tư trước năm 2030; (3) Tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) – Gia Nghĩa (Đắk Nông), tiến trình đầu tư trước năm 2030; (4) Tuyến cao tốc Phú Yên – Đắk Lắk, tiến trình đầu tư sau năm 2030; (5) Tuyến cao tốc Liên Khương – Buôn Ma Thuột, tiến trình đầu tư sau năm 2030.
Ngoài ra, còn có tuyến đường sắt Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước) dài 550 km, lộ trình đầu tư sau năm 2030; Cảng hàng không Buôn Ma Thuột giai đoạn 2021-2030 là cảng hàng không quốc nội, quy mô, cấp sân bay 4C, công suất thiết kế dự kiến 5 triệu hành khách/năm với diện tích đất dự kiến đến năm 2030 là 518,34 ha. Ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch là 3.814 tỷ đồng.
Giai đoạn định hướng đến năm 2050 đạt công suất thiết kế dự kiến 7 triệu hành khách/năm. Ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch 1.686 tỷ đồng.
Cùng với đó có cảng cạn Đắk Lắk (hành lang vận tải Quốc lộ 29) tại huyện Krông Búk đến 2030 với diện tích quy hoạch 10-12ha và năng lực thông qua 100.000-120.000 năm (Teu/năm); giai đoạn đến năm 2050 diện tích dự kiến là 12ha.
Để nâng cao năng lực kết nối, năng lực vận tải, tạo điều kiện thuận lợi trong việc hợp tác, liên kết phát triển giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung trên mọi lĩnh vực. Trong đó, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh, của từng vùng, khu vực, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh,.... góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp với UBND các tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan kiến nghị Bộ GTVT quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư đối với các dự án trọng điểm; đầu tư nâng cấp, cải tạo hoàn chỉnh các tuyến đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh và các dự án liên tỉnh, liên vùng, điển hình như 04 dự án kết nối giữa tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên. Các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông đoạn kết nối điểm cuối đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với Đại lộ Đông - Tây (TP. Buôn Ma Thuột), dự án cải tạo, nâng cấp các quốc lộ (QL.27, QL.29 và QL.14C).
Cùng với đó là tham mưu xây dựng đường giao thông từ thị xã Konhec (Campuchia) đến Cửa khẩu Đắk Ruê, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (CT.02). Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT cập nhật, bổ sung tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa vào quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xin hỏi, ngành GTVT đã, đang và sẽ có những chương trình, kế hoạch nào để “hiến kế” cho tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới, thưa ông?
Đầu tiên là kiến nghị tập trung quy hoạch phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông gắn với nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giao thông vận tải. Đồng thời, Sở sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg, về phê duyệt quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch, có tiến trình đầu tư trước năm 2030, Sở sẽ phối hợp với UBND các tỉnh có liên quan đồng kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ trình Quốc hội quan tâm cho chủ trương đầu tư trước năm 2030. Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch, có tiến trình đầu tư sau năm 2030, UBND tỉnh phối hợp với UBND các tỉnh có liên quan đề nghị Bộ GTVT quan tâm lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư để có cơ sở triển khai thực hiện sau năm 2030.
Sở cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư đổi với các dự án trọng điểm, đầu tư nâng cấp, cải tạo hoàn chỉnh các tuyến đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh và các dự án liên tỉnh, liên vùng,... Tham mưu UBND tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiến nghị, đề xuất đến cấp có thẩm quyền để sớm triển khai thực hiện các dự án đã có trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm kết nối thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Qua đó, nâng cao năng lực kết nối, năng lực vận tải, tạo điều kiện thuận lợi trong việc hợp tác, liên kết phát triển giữa các tỉnh trên mọi lĩnh vực.