Công nghệ

Hải Phòng: Số hóa để hướng đến thành phố thông minh

Minh Huệ 22/08/2024 00:20

Thời gian qua, TP Hải Phòng đang có những tăng tốc trong sự nghiệp chuyển đổi số hướng tới xây dựng thành phố thông minh, kiến tạo nền tảng vững chắc đến năm 2030, theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Số hóa để phát triển

Với mục tiêu kinh tế số đạt tỷ trọng 25% trong GRDP vào năm 2025 và 35% trong GRDP vào năm 2030, TP Hải Phòng đang nỗ lực thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ, phấn đấu đưa Hải Phòng trở thành một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Theo Sở Thông tin & Truyền thông Hải Phòng: Thời gian qua, TP Hải Phòng đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng số. Số trạm phát sóng 4G mới được xây dựng tăng 6% so với cuối năm 2023, cơ bản xoá toàn bộ các vùng lõm sóng. Vùng phủ 4G đạt khoảng 95%, nâng tốc độ tải khoảng 16% so với cuối năm 2023, cao hơn 62% so với yêu cầu tối thiểu của Bộ TT&TT.

Mạng băng rộng cố định đạt vùng phủ 96% hộ gia đình (năm 2022 mới đạt 82%). Tốc độ tăng khoảng 150% so với cuối năm 2023. Đã có thêm 1 trung tâm dữ liệu điện toán đám mây của doanh nghiệp viễn thông được khai trương và đưa vào hoạt động.

Ngoài việc triển khai thử nghiệm 5G thương mại tại các khu đô thị trung tâm tương tự tại các địa phương khác, để thúc đẩy các ngành mũi nhọn là cảng biển và công nghiệp, thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai 5G tại các cảng Tân Vũ, Đình Vũ để thí điểm xây dựng cảng thông minh và triển khai thành công mạng 5G dùng riêng cho nhà máy thông minh đầu tiên trên toàn quốc tại Công ty Pegatron (khu công nghiệp DEEP C II).

3(1).jpg
Hải Phòng xác định chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế từ nay đến năm 2030. Đặc biệt cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Với tiềm năng và lợi thế của thành phố cảng, cửa ngõ chính ra biển của các tỉnh phía bắc, thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư trong phát triển công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm góp phần tăng cường tỷ trọng kinh tế số ICT. Thu hút đầu tư của Hải Phòng liên tục đứng tốp đầu của cả nước đã góp phần tăng cường tỷ trọng kinh tế lõi ICT.

Cùng với đó, trên địa bàn hiện có gần 1.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động và gần 9.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số trong hoạt động…Kinh tế số hiệu quả đã đóng góp vào phát triển kinh tế của thành phố.

TP Hải Phòng đã xác định chuyển đổi số là "động lực" của sự phát triển thành phố, theo đó nhiều mục tiêu chuyển đổi số của thành phố được đặt ra trong Nghị quyết cao hơn mục tiêu chung được xác định trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ TTg ngày 03/6/2020).

Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: Ngày 26/10/2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về chuyển đổi số thành phố, đặt ra các mục tiêu lớn cho tầm nhìn 10 năm: phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng chính quyển số, phát triển kinh tế số chiếm 35% GRDP thành phố.

Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 16%, tạo ra các giá trị tăng trưởng mới từ kinh tế số, với ba trụ cột kinh tế: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics, du lịch, thương mại, tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2030 Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững.

1(1).jpg
Hải Phòng đặc biệt quan tâm đến số hóa ngành kinh tế cảng biển

Phát triển số hóa đa dạng các ngành nghề

Theo Cục Thống kê Hải Phòng, trong 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hải Phòng tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất của kỳ 7 tháng trong 3 năm gần đây.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo duy trì mức tăng 15,6%, đóng góp 14,68 điểm phần trăm vào mức tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp, nhất là các lĩnh vực sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính; sản xuất xe có động cơ; sản xuất máy nông nghiệp và lâm nghiệp, sản xuất thiết bị truyền thông…

Hải Phòng đặc biệt quan tâm đến số hóa ngành kinh tế cảng biển. Tại các cảng biển, các doanh nghiệp đã mạnh dạn ứng dụng các giải pháp công nghệ số Make in Vietnam, nền tảng chuyển đổi số cảng biển, góp phần tạo sự chuyển động nhanh trong hoạt động.

Hiện, 100% số cảng tại Hải Phòng đã có hệ thống quản lý cảng TOS. Trong đó, có 22 cảng (chiếm hơn 40% số cảng) đã ứng dụng các nền tảng cảng biển số chỉ trong thời gian nhanh từ 2-4 tuần, với chi phí bằng 10-20% so với các sản phẩm cùng loại từ nước ngoài.

Việc ứng dụng nền tảng cảng biển số đã góp phần đưa năng lực đón tàu của hệ thống cẩu tăng khoảng 50%, khả năng giải phóng hàng hóa tại bãi tăng 30%. Cùng với đó, các thủ tục hành chính, dịch vụ cảng giảm mạnh từ 6-8 giờ với 12 điểm chạm xuống chỉ còn 3 phút với 2 điểm chạm…

2(1).jpg
Tại các cảng biển, các doanh nghiệp đã mạnh dạn ứng dụng các giải pháp công nghệ số Make in Vietnam, nền tảng chuyển đổi số cảng biển, góp phần tạo sự chuyển động nhanh trong hoạt động (Ảnh CĐS cảng HITC)

Mặt khác, một số giải pháp chuyển đổi số nâng cao hiệu quả điều hành sản xuất và tối ưu hóa phục vụ khách hàng được ứng dụng rộng rãi, như: chụp ảnh, nhận diện tự động tình trạng vỏ container tại tuyến cầu tàu; ứng dụng camera đầu cần trục để giám sát, ghi nhận hoạt động điều hành, khai thác…

Đồng thời, các cảng cũng triển khai các ứng dụng định vị dẫn hướng tự động và giám sát hành trình, nhiên liệu cho xe vận chuyển nội bộ. Ứng dụng giải pháp cổng thông minh nhận dạng mã container, nhận diện biển số xe đầu kéo, rơ-moóc; tích hợp Cổng điện tử và ứng dụng trên di động thực hiện thao tác kiểm tra và giao nhận tự động…

Cùng với đó, hệ thống tương tác với các lái xe, doanh nghiệp vận tải qua môi trường mạng được triển khai cũng nâng tỷ lệ sử dụng giao dịch điện tử, chứng từ điện tử lên tới hơn 90%. Những ứng dụng chuyển đổi số trong hệ thống cảng biển đã góp phần đưa sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng trong 7 tháng năm 2024 đạt 92,1 triệu tấn, tăng 11,33% so với cùng kỳ năm 2023, doanh thu cảng biển đạt 4.524,5 tỷ đồng, tăng 17,94% so với cùng kỳ.

Để có được kết quả đó, TP Hải Phòng đã tập trung phát triển hạ tầng số, thúc đẩy số hóa các ngành kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã đầu tư bổ sung khoảng 60 trạm BTS, nâng tổng số trạm BTS trên địa bàn thành phố lên 2.502 trạm.

Theo ông Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Hải Phòng đã định hướng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai thiết lập và khai thác thử nghiệm 7 trạm BTS công nghệ 5G tại các khu vực cảng biển và khu vực trung tâm thành phố. Trong đó, 5 trạm BTS công nghệ 5G đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm và đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để sớm đầu tư mạng 5G diện rộng trên địa bàn.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê cuối tháng 12/2023, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hải Phòng đạt 29,7%, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy đề ra là 25% vào năm 2025 và với những nỗ lực của năm 2024, TP Hải Phòng sẽ tiếp tục bứt tốc mạnh mẽ trong phát triển kinh tế số nói riêng và chương trình chuyển đổi số nói chung. Điều này thể hiện rõ quyết tâm và khát vọng của TP Hải Phòng với khả năng bứt phá dẫn đầu trong thời gian tới.

Minh Huệ